Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Ung bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy, ngày 5/8, cho biết bệnh nhân tiền sử đái tháo đường, đã phẫu thuật nội soi cắt u bàng quang hai năm trước. Sau khi kiểm tra, xét nghiệm, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bàng quang, đưa niệu quản da, cấp cứu người bệnh.
Trong lúc mổ, bác sĩ phát hiện toàn bộ bàng quang là khối kích thước 10x15 cm cứng chắc, xâm lấn thanh mạc, phúc mạc, tiểu khung, dính vào mặt trước trực tràng hạch chậu hai bên cứng chắc. Phẫu thuật viên đã cắt toàn bộ bàng quang, vét hạch chậu hai bên, loại bỏ nhân di căn phúc mạc, đưa niệu quản ra da hai bên với mục tiêu điều trị triệt căn ung thư và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
"Kỹ thuật này khó, chuyên sâu trong phẫu thuật tiết niệu, được chỉ định cho bệnh nhân ung thư bàng quang xâm lấn lớp cơ khi không thể phẫu thuật nội soi", bác sĩ nói.
Sau mổ, kíp tiếp tục theo dõi, phòng các tai biến như chảy máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, tắc dẫn lưu niệu quản ra da, tắc ruột, dính ruột....
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp thứ hai trong các loại ung thư đường tiết niệu và có xu hướng tăng do hút thuốc lá, làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất... Bệnh phổ biến ở cả nam giới và nữ giới.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm cần lưu ý như tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu đau, đau hông hoặc lưng, gầy sút cân không rõ nguyên nhân, các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu, tắc nghẽn đường tiểu do u xâm lấn hay do cục máu đông...
Bệnh có thể được phát hiện sớm bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT hoặc MRI để đánh giá mức độ lan rộng của khối u, tình trạng di căn hạch trong khung chậu hoặc sau phúc mạc, di căn tạng, phổi, xương và tình trạng tắc nghẽn đường niệu...
Về điều trị, ở giai đoạn sớm, khối u chưa xâm lấn lớp cơ bàng quang, bác sĩ có thể cắt đốt nội soi để điều trị, phối hợp với liệu pháp bơm hóa chất nội bàng quang dự phòng tái phát tại chỗ. Những trường hợp đa u, u tái phát nhiều lần, tái phát nhanh, xâm lấm sâu tới lớp cơ bàng quang mà còn chỉ định phẫu thuật có thể cân nhắc cắt bán phần hay toàn bộ bàng quang tùy vào vị trí, độ xâm lấm và số lượng u.
Để phòng tránh bệnh ung thư bàng quang, bác sĩ Dũng khuyến cáo người dân bỏ thói quen hút thuốc lá, không hút thuốc lá ở nơi công cộng, bảo hộ đầy đủ khi làm việc tại môi trường độc hại.
Một số bệnh lý như viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu... cần được điều trị dứt điểm để tránh những tổn thương tại bàng quang.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện có bất thường cần đến cơ sở chuyên khoa tiết niệu, ung bướu để được tư vấn, điều trị hiệu quả.
Thùy An