Ngày 8/7, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tai trái nghe kém, đầu đau âm ỉ. Người bệnh tiền sử khỏe mạnh.
Bác sĩ chẩn đoán u góc cầu tiểu não trái, chỉ định phẫu thuật. Kết quả giải phẫu bệnh là u Schwannoma, lành tính.
Sau mổ, người bệnh tiếp tục xạ phẫu Gamma Knife, theo dõi biến chứng sau mổ. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tái khám sau một tháng, chụp định kỳ MRI sọ não sau 3-6 tháng.
U Schwannoma là bệnh lý ít gặp, tỷ lệ khoảng 4,4-5,2/100.000 người lớn mỗi năm. Ở trẻ em và thanh thiếu niên, tỷ lệ này là 0,44/100.000 người. Đa số u Schwannoma lành tính, tỷ lệ khối u vỏ thần kinh ác tính chỉ có 0,03/100.000 trường hợp.
Khối u Schwannoma phát triển chậm, có thể tồn tại trong nhiều năm mà không có triệu chứng. U phát triển ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể như cổ, cánh tay, chân, tai trong, não.
Biểu hiện khác nhau như mất thính giác, ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng nếu u Schwannoma tiền đình; khó nuốt, liệt cơ mặt, ảnh hưởng đến chuyển động của mắt khi khối u phát triển ở dây thần kinh mặt; đau lưng nếu u dây thần kinh hông; u Schwannoma não gây đau đầu, mệt mỏi, ảnh hưởng tâm lý...
U schwannoma có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường ở độ tuổi 20-50. Bệnh được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có triệu chứng bất thường do khối u chèn ép các cơ quan lân cận.
Để điều trị, bác sĩ theo dõi điều trị triệu chứng và theo dõi định kỳ bằng các thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Với khối u nhỏ, u còn sót lại hay tái phát sau phẫu thuật, người bệnh được xạ phẫu (Gamma Knife, Cyberknife...). Trường hợp u lớn bác sĩ phẫu thuật loại bỏ.
Thùy An