Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, kết quả chụp sọ não phát hiện bệnh nhân có u tiểu não bên trái, kích thước 3x2 cm. Bác sĩ Lê Ngọc Biển, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực, cho biết đây là ca bệnh khó bởi khối u nằm ở vị trí sâu, phức tạp, đã xâm lấn vào thân não. Đặc biệt, khi nhập viện, người bệnh đã bị phù não, u chèn ép thần kinh và thân não, không thể đi lại được.
"Nếu phẫu thuật theo phương pháp mổ hở với đường mổ lớn để lấy khối u thì bệnh nhân có khả năng phải chịu di chứng nặng nề như liệt chân tay, tai biến. Do đó, chúng tôi quyết định mổ bằng kính vi phẫu", bác sĩ Biển nói, hôm 4/4.
Sau ba giờ phẫu thuật, ê kíp cắt bỏ và gỡ dính khối u ăn sâu vào các cấu trúc mạch máu thần kinh quan trọng, hạn chế tối đa tổn thương não cho người bệnh. Hiện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tay chân cử động bình thường.
Bác sĩ Biển đánh giá phẫu thuật bằng kính vi phẫu mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như đường mổ nhỏ (khoảng 4 cm), trong khi phương pháp mổ hở với đường mổ lớn có thể hơn 10 cm. Kỹ thuật này cũng ít ảnh hưởng đến thần kinh, vận động, thời gian hậu phẫu và phục hồi sức khỏe nhanh.
Tuy nhiên, đây là kỹ thuật rất khó vì phẫu trường chật hẹp, đường tiếp cận u khó khăn, do não là nơi có nhiều cấu trúc mạch máu thần kinh rất quan trọng, nếu kỹ thuật của các phẫu thuật viên không tốt, tỷ lệ tử vong trong mổ rất cao.
Ngoài ra, để thực hiện được phẫu thuật này, bệnh viện cần đầu tư các trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán hiện đại và đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản chuyên sâu.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khoẻ định kỳ để tầm soát và sớm phát hiện bệnh, do u tiểu não không thể phòng tránh.
Lê Nga