Một năm nay, bệnh nhân thường xuyên hồi hộp, đánh trống ngực, tưởng bệnh hô hấp. Gần đây, triệu chứng hồi hộp tăng lên, kèm run hai tay, sụt hai kg trong một tháng. Bà đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả chẩn đoán bướu nhân độc tuyến giáp.
Ngày 24/9, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, cho biết bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đang sử dụng thuốc. Tuyến giáp có nhân lớn, kích thước 3,0 x 3,9 cm, ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Sau hội chẩn, bác sĩ kê thuốc điều trị tuyến giáp, kèm thuốc giảm nhịp tim.
Sau một tháng điều trị, các triệu chứng lâm sàng giảm. Bệnh nhân không còn triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực và run hai tay, sinh hoạt ổn định, tăng ba kg. Kết quả siêu âm kích thước nhân tuyến giáp đã giảm, tiếp tục tái khám định kỳ theo lịch hẹn.
Bướu giáp (bướu cổ, bướu tuyến giáp) là một trong những dạng rối loạn tuyến giáp phổ biến. Phần lớn người bệnh có bướu tuyến giáp lành tính, điều trị đơn giản nhưng cũng có thể ác tính.
Trong đó, bướu nhân độc tuyến giáp hay nhân độc tự trị (autonomously functioning thyroid nodules) là bệnh lý hay gặp, chiếm 15-30% trong các bệnh lý gây cường giáp, chỉ sau Basedow. Ở vùng thiếu hụt iốt, bướu nhân độc tuyến giáp gặp với tỷ lệ cao hơn, có thể là đơn nhân (single toxic nodular goiter), cũng có thể là đa nhân (multiple toxic nodular goiter). Bệnh gặp nhiều ở nữ giới, tuổi trên 40.
Các phương pháp chính để điều trị bệnh bướu nhân giáp nhiễm độc là thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, phẫu thuật và điều trị bằng I-131. Trong đó, I-131 có nhiều ưu điểm và là phương pháp được nhiều người lựa chọn hiện nay.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần đi khám sớm khi cơ thể xuất hiện bất thường. Không nên để khối u phát triển lớn ảnh hưởng tới các cơ quan khác và gây khó khăn cho điều trị.