Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi cuối tháng 1 công bố kết luận hàng loạt sai phạm của trường Đại học Trưng Vương, tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2020-2022.
Trong tuyển sinh, trường này tuyển vượt chỉ tiêu nhiều lần tại nhiều ngành. Chẳng hạn, năm 2020, khối ngành Kinh doanh và Quản lý, Pháp luật, hệ vừa học vừa làm, trường tuyển gần 750 sinh viên, trong khi chỉ có 100 chỉ tiêu, vượt 647%.
Tới năm 2022, lĩnh vực sức khỏe hệ vừa học vừa làm tuyển hơn 500 sinh viên trên 64 chỉ tiêu, vượt 737%.
Theo quy định, các trường đại học được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và công khai với xã hội. Tuy nhiên, việc này không được vượt quá năng lực đào tạo và phải đảm bảo điều kiện của Bộ.
Các trường sẽ bị xử phạt nếu tuyển vượt chỉ tiêu từ 3% trở lên, áp dụng với trình độ đại học. Mức phạt cao nhất 70 triệu đồng nếu vượt trên 20%. Cho tới nay chưa trường nào bị phát hiện vượt chỉ tiêu với tỷ lệ cao như Đại học Trưng Vương.
Trường Đại học Trưng Vương cũng bị xác định không thông báo đúng, đầy đủ thông tin tuyển sinh giai đoạn 2020-2022.
Trong đào tạo, khi kiểm tra xác suất hồ sơ sinh viên ngành Điều dưỡng của trường Đại học Trưng Vương, Thanh tra Bộ phát hiện một sinh viên chính quy, khóa 2021, chưa có bằng tốt nghiệp THPT; ba sinh viên khác không đạt trình độ tối thiểu ở bậc trung cấp và THPT. Ở bậc thạc sĩ, có học viên thiếu giấy khai sinh, sơ yếu lý lịch và không có minh chứng về kết quả bậc đại học.
Tại thời điểm thanh tra, trường cũng chưa biên soạn, lựa chọn, thẩm định tài liệu giảng dạy các ngành ở bậc đại học chính quy; sổ lên lớp không có chữ ký của giảng viên, tỷ lệ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng sai quy định.
Ngoài ra, trường mở cơ sở đào tạo thực hành tại Hà Nội trái quy định.
Về chất lượng giảng viên, ngành Thương mại điện tử có 4/5 giảng viên hết độ tuổi lao động, không có trình độ tiến sĩ đúng chuyên môn với ngành đào tạo.
Theo Thanh tra Bộ, trách nhiệm thuộc về đơn vị phụ trách tuyển sinh, lãnh đạo khoa và trường Đại học Trưng Vương khi để xảy ra hàng loạt sai phạm. Cơ quan này kiến nghị trường Đại học Trưng Vương chấn chỉnh công tác quản lý; rà soát quy định nội bộ, hồ sơ sinh viên; xây dựng lại đề án tuyển sinh và thực hiện biên soạn, thẩm định tài liệu giảng dạy và báo cáo Bộ.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc được đề nghị phối hợp quản lý cơ sở đào tạo, hướng dẫn trường rà soát hoạt động tuyển sinh và đào tạo.
Trường Đại học Trưng Vương được thành lập năm 2010, đặt trụ sở tại thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 8 ngành trình độ đại học, gồm Luật kinh tế, Quản trị kinh doanh, Thương mại điện tử, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Điều dưỡng, Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc. Ngoài ra, trường có hai ngành được đào tạo bậc thạc sĩ là Quản lý kinh tế, Luật kinh tế.
Thanh Hằng - Dương Tâm