Người bệnh cho biết khoảng một tháng nay ăn uống khỏe, ngon miệng nhưng bị giảm cân, mệt mỏi, đi tiểu nhiều, nghĩ do tuổi già. Bốn ngày nay, bà sốt cao nên đi viện khám. Kết quả phát hiện có khối áp xe ở gan trái, kích thước gần 6 cm đồng thời nhiễm trùng huyết ở mức độ nặng, các chỉ số vượt ngưỡng an toàn.
Ngày 5/5, bác sĩ Đinh Quốc Anh, khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, cho biết khối áp xe của bệnh nhân vẫn ở giai đoạn sớm, chưa nhũ hóa. Nếu không có bệnh nền, người bệnh chỉ cần dùng kháng sinh đồ phù hợp. Tuy nhiên, chỉ số đường huyết của bệnh nhân lúc vào viện cao gấp 4 lần ngưỡng cho phép, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn từ khối áp xe đi vào máu, phát triển và gây nhiễm khuẩn huyết.
Người phụ nữ được điều trị insulin (tiêm) và dùng thuốc đường uống để ổn định glucose máu.
Thống kê từ Hội đái tháo đường Việt Nam năm 2021, nước ta có khoảng hơn 3,5 triệu người đang mắc đái tháo đường. Dự báo số ca mắc sẽ tăng lên gần 6,3 triệu vào năm 2045. Đặc biệt, tỷ lệ mắc ngày càng trẻ hóa, nhiều người ở độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không biết.
Đái tháo đường là bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, sau tim mạch và ung thư. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm, gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến thận, tim mạch.
Bệnh nhân đái tháo đường khi bị nhiễm trùng sẽ rất nặng do hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Đường huyết cao cũng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Do đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tránh để bản thân bị thương và thăm khám ngay khi có bất thường.
Minh An