"Dựa trên tập 17 ca nhiễm và nghi nhiễm có cài ứng dụng Bluezone ở Đà Nẵng và Hà Nội, đơn vị phụ trách đã tiến hành truy vết và phát hiện 82 trường hợp F1, F2", Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Những trường hợp được phát hiện nhờ Bluezone này trước đó không có trong danh sách truy vết kiểu truyền thống. Sau khi phát hiện, cơ quan y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ bổ sung.
Trước đó, ngày 7/8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ có ít nhất 21 trường hợp là F1, F2 được phát hiện qua ứng dụng truy vết này.
Khi có ca nhiễm Covid-19 bất kỳ, cơ quan y tế sẽ hỏi người đó có cài Bluezone và đồng ý chia sẻ mã Bluezone hay không. Nếu có, nhật ký tiếp xúc trên điện thoại của bệnh nhân được đưa lên hệ thống, tự động so sánh với nhật ký tiếp xúc của những người dùng Bluezone khác tại Việt Nam. Nếu xuất hiện các ghi nhận trùng khớp, hệ thống sẽ xác nhận người đã tiếp xúc, từ đó biết được các F1, F2 tương ứng.
Theo quy ước, F0 là bệnh nhân Covid-19. F1 là người tiếp xúc gần với F0, còn F2 là người tiếp xúc với F1. Bluezone không thể phát hiện bệnh nhân Covid-19, nhưng có thể phát hiện được F1, F2. Việc này chỉ có thể thực hiện được nếu bệnh nhân và người tiếp xúc gần đã cài Bluezone trên điện thoại trước đó.
Ứng dụng hoạt động hiệu quả nhất khi mọi người cùng cài và sử dụng Bluezone đúng cách. Theo các chuyên gia, số lượng người dùng Bluezone tối thiểu mà Việt Nam cần đạt được là 30 triệu người. Đến ngày 14/8, số lượt tải Bluezone đạt 17,5 triệu.
Nhiều biện pháp đã được áp dụng tại Việt Nam, như các nhà mạng gửi tin nhắn, thêm thông điệp trước mỗi cuộc gọi nhằm khuyến nghị cài đặt Bluezone. Nhiều địa phương đã cử người đến từng nhà hỗ trợ người dân cài và sử dụng ứng dụng. Bộ Y tế cũng đề nghị các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, cơ sở công cộng tuyên truyền, vận động khách ra vào sử dụng Bluezone.
Lưu Quý