![]() |
Một trang trại chăn nuôi gà ở Hà Tây - địa phương nằm trong vùng dịch cúm. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ông Thông cho biết, một số tỉnh hiện vẫn chưa công bố dịch vì cúm gà mới chỉ xuất hiện thành những ổ nhỏ đã được khoanh vùng và dập ngay. Nếu trong những ngày tới, các tỉnh này vẫn phát hiện gà chết vì cúm thì bắt buộc phải công bố dịch.
Tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã phát hiện 7.600 gà bệnh tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm. Thái Nguyên cũng có hơn 1.800 gà bệnh. Khu vực phía Nam, Bình Định cũng đã công bố dịch sau khi phát hiện 3.600 gà mang virus cúm ở tại trại gà của Công ty gia cầm CP.
Sau khi công bố dịch, các địa phương đang áp dụng những biện pháp mạnh để ngăn ngừa nguy cơ lây lan. Sáng nay, tỉnh Thái Nguyên đã vệ sinh, tiêu độc chuồng trại; tiêu hủy số gà vịt đã chết; tập huấn cho bà con nuôi gà cách phòng chống và đề phòng dịch bệnh lây lan sang các vùng khác. Hà Nội cũng sẽ tiến hành phun hoá chất tiêu độc ở các khu vực kinh doanh gia cầm trên địa bàn thành phố.
Bắc Ninh cũng thành lập 16 trạm kiểm dịch gia cầm đặt tại các xã có ổ dịch và các cửa ngõ ra vào tỉnh. UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ mỗi con gà bị tiêu huỷ từ 5.000-10.000 đồng. Tỉnh Hà Tây cũng huy động lực lượng chuyên môn để xử lý 117.000 con gà trong vùng dịch. Các dụng cụ chăn nuôi như máng thức ăn, chuồng trại... đều xử lý bằng hóa chất và không để dùng lại.
Tại các tỉnh phía Nam, trong những ngày Tết, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã bắt giữ, tiêu huỷ hơn 4.300 con gà và hơn 100.000 quả trứng gà vịt từ vùng dịch bệnh. Chi cục còn tổ chức hướng dẫn, thông báo quy trình phòng chống dịch bệnh khẩn cấp cho các chủ trang trại, các trại gia cầm; phối hợp với với các huyện xã tổ chức sát trùng, tiêu độc, vệ sinh những nơi có nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh. Tỉnh An Giang đã kiên quyết xử lý tiêu hủy gần 25.000 gia cầm và hơn 3.000 vịt mổ sẵn bày bán ở chợ có bệnh tích giống như gà bệnh.
Theo ông Thông, dịch bệnh diễn biến phức tạp một phần là do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung. Cơ quan Thú y thường chỉ phát hiện dịch tại các trại chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn, ít phát hiện gia cầm bệnh ở các hộ gia đình. Trong khi, cả nước đang có 80% số gia cầm hiện nay được chăn nuôi theo kiểu thả rông. "Trong trường hợp mỗi nhà bị chết vài chục con gà nhiều người dân cũng không báo cho các lực lượng thú y. Chúng tôi đang khuyến cáo người dân tạm thời nhốt gà trong thời gian có dịch", ông Thông nói.
Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề nghị thành lập Ban chỉ đạo chống dịch của Chính phủ do Phó thủ tướng làm trưởng ban. Thành phần gồm các bộ Nông nghiệp, Y tế, Công an, Tài chính, Giao thông vận tải, Ngoại giao.... Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ đối với những xí nghiệp, trang trại chăn nuôi bị thiệt hại lớn.
Hôm qua, Bộ Tài chính đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống nhất hỗ trợ từ 20-30% giá trị sản phẩm cho người dân có gia cầm bị tiêu hủy, hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho việc tiêu hủy. Liên bộ Nông nghiệp - Tài chính cũng đã trình Chính phủ bổ sung hơn 2,3 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2004 để phục vụ cho công tác phòng chống bệnh cúm gà.
Thiên Đức - Việt Anh