Nền cổ, hay carton, là những phần cũ và ổn định của lớp vỏ lục địa đã tồn tại qua các lần sáp nhập và phân tách lục địa trong hàng trăm triệu đến hàng tỷ năm. Một số vẫn còn hiện diện ở trung tâm của các mảng kiến tạo ngày nay như Bắc Mỹ. Một số khác đã tách thành các mảnh nhỏ hơn và trôi dạt qua thời gian.
Trong một cuộc thăm dò kim cương trên đảo Baffin, thuộc lãnh thổ Nunavut của Canada, các nhà địa chất tại Đại học British Columbia đã tình cờ tìm thấy một mảnh vỡ chưa từng được biết đến của nền cổ Bắc Đại Tây Dương, thông qua các phân tích mẫu đá kimberlite được lực địa chất đưa lên mặt đất từ độ sâu 150 - 400 km.
"Kimberlite là những khối đá lửa rắn chắc, chứa vô số chi tiết về các điều kiện bên dưới bề mặt hành tinh của chúng ta theo thời gian", chuyên gia Maya Kopylova từ Đại học British Columbia, một thành viên trong nhóm nghiên cứu giải thích. "Chúng đôi khi còn chứa cả những viên kim cương ở bên trong".
Khi Kopylova cùng các đồng nghiệp phân tích mẫu đá ở Baffin, họ nhận thấy sự tương đồng về thành phần khoáng vật so với các mảnh vỡ được biết đến trước đây của nền cổ Bắc Đại Tây Dương.
"Thành phần khoáng chất của nền cổ Bắc Đại Tây Dương rất độc đáo và không thể nhầm lẫn. Nó khác hoàn toàn với các nền cổ liền kề khác ở Bắc Canada, Bắc Quebec, Bắc Ontario và Nunavut", Kopylova cho biết trên tạp chí Petrology.
Nền cổ Bắc Đại Tây Dương được cho là bị phân tách thành các mảnh nhỏ cách đây 150 triệu năm. Các mảnh vỡ của nó hiện trải dài từ khu vực Labrador của Canada, qua phần phía nam của Greenland, đến miền tây Scotland. Mảnh vỡ mới, bao gồm khu vực Chidliak Kimberlite ở phía nam đảo Baffin, đã mở rộng diện tích được khám phá của nền cổ Bắc Đại Tây Dương thêm 10%.
"Với những miếng ghép như vậy, chúng ta có thể tái tạo hình dạng của các lục địa cổ, cho phép lập bản đồ các tầng đất sâu của lớp vỏ Trái Đất, giúp hiểu 'sâu hơn' cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo Phys)