Một đôi vợ chồng tìm thấy rắn hổ ma trong vườn nhà ở hạt Leslie, bang Kentucky, Mirror hôm 23/10 đưa tin. "Đây là lần đầu tiên tôi thấy rắn hổ ma hai đầu", nhà nghiên cứu bò sát John MacGregor tại Cơ quan quản lý tài nguyên sinh vật hoang dã và cá Kentucky chia sẻ.
Những con rắn bị đột biến như vậy thường không sống lâu ngoài tự nhiên do hạn chế về cơ thể. "Vấn đề lớn là cổ họng nó nối liền với phần còn lại của đường ruột hay không. Động vật hai đầu thỉnh thoảng gặp tình trạng này, hai đầu đều không hoàn thiện và chúng không thể nuốt được gì", MacGregor nói.
MacGregor lo ngại, đôi khi một đầu hoạt động còn đầu kia thì không. Nhưng với con rắn này, hai lưỡi vẫn bình thường nên nhà nghiên cứu nghĩ nhiều khả năng cả hai đầu của chúng đều hoạt động. Nếu sống đến lúc trưởng thành, rắn hổ ma có thể dài đến gần một mét.
Khi sức khỏe ổn định, con rắn sẽ được đưa tới Trung tâm Giáo dục Sinh vật hoang dã Salato tại Frankfort. "Salato rất hào hứng khi được giữ con vật độc đáo này. Hy vọng nó sẽ phát triển tốt dưới sự chăm sóc của chúng tôi và trở thành 'đại sứ giáo dục' cho một sinh vật bản địa Kentucky", giám đốc trung tâm Heather Teachey nói.
Rắn hổ ma là một trong 4 loài rắn độc được tìm thấy ở Kentucky. Ba loài còn lại là rắn miệng bông, rắn đuôi chuông gỗ và rắn đuôi chuông pygmy.
Giống hầu hết các loài rắn lục Bắc Mỹ, rắn hổ ma thường tránh người. Tuy nhiên, loài vật này có xu hướng đứng im thay vì bỏ chạy. Do đó, rắn đang ngụy trang đôi khi bị người giẫm lên và quay lại cắn. Vết cắn của chúng có thể gây đau đớn, sưng phồng, buồn nôn, gây tổn thương cho xương và mô cơ.