Cá voi xanh là động vật lớn nhất hành tinh nhưng cũng là một trong những loài khó tìm nhất. Chúng không chỉ hiếm mà còn sống ẩn dật trong tự nhiên với phạm vi phân bố trải rộng khắp các đại dương trên thế giới.
Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Science Reports, các nhà sinh vật học dẫn đầu bởi Đại học New South Wale (UNSW) của Australia báo cáo rằng họ đã phát hiện một quần thể cá voi xanh hoàn toàn mới ở ngay giữa Ấn Độ Dương. Khám phá được thực hiện nhờ dữ liệu âm thanh thu thập bởi Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBTO), cơ quan giám sát các vụ thử bom hạt nhân quốc tế.
Kể từ năm 2002, CTBTO đã sử dụng máy dò dưới nước tiên tiến để phát hiện sóng âm từ các vụ thử bom hạt nhân tiềm năng. Các bản ghi - bao gồm nhiều âm thanh chi tiết khác của đại dương - cung cấp dữ liệu nghiên cứu quý giá cho các nhà khoa học biển.
Cá voi xanh nổi tiếng với "tiếng hát" có âm vực rất trầm, vang xa và dễ phân biệt, thuận lợi cho việc theo dõi và nghiên cứu. Mỗi quần thể cá voi đều có "bài hát" độc đáo của riêng chúng để nhận biết thành viên trong đàn.
Phần tích chi tiết các thành phần như cấu trúc, tần số và nhịp độ của bài hát mới, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng nó thuộc về những con cá voi xanh lùn, một trong bốn phân loài được công nhận của cá voi xanh.
"Không rõ có bao nhiêu con trong nhóm này, nhưng số lượng là khá lớn bởi chúng tôi nghe thấy rất nhiều âm thanh", Giáo sư Tracey Rogers từ UNSW, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo tồn biển, vì cá voi xanh đã bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng do săn bắt quá mức vào thế kỷ 20. Không giống như nhiều loại cá voi khác ở Nam bán cầu, số lượng cá voi xanh đến nay vẫn chưa tăng trở lại.
Cá voi xanh lùn (Balaenoptera musculus brevicauda) là phân loài cá voi xanh nhỏ nhất còn tồn tại. Chúng hiếm khi dài quá 24 m, trong khi ba phân loài còn lại là B. m. musculus, B. m. intermedia và B. m. indica có thể dài tới 28 - 30 m.
Đoàn Dương (Theo Science Daily)