Theo ban giám hiệu trường Rạng Đông 1, lúc đầu, bệnh chỉ xuất hiện tại lớp mầm (học sinh từ 3 đến 4 tuổi). Vài ngày sau, bệnh lây sang lớp bên cạnh.
Hiện các học sinh mắc bệnh đã được cách ly tại nhà, cho đến khi điều trị hết bệnh. Trung tâm Y tế quận 6 đã yêu cầu nhà trường tiến hành khử khuẩn, vệ sinh lớp học, và một số loại vật dụng ở trường để tránh lây lan mầm bệnh.
Cách đây 6 tháng, tại trường này cũng có một học sinh tử vong vì mắc bệnh tay chân miệng.
Sốt kéo dài trên 2 ngày kèm nốt đỏ trong lòng bàn tay, chân, mông và trong miệng là những biểu hiện bệnh tay chân miệng. Ảnh: Thiên Chương. |
Theo Viện Pasteur TP HCM, bệnh tay chân miệng lây qua đường "phân-miệng" và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà.
Đặc biệt khi bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp, thì việc hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan trực tiếp từ người sang người. Do đó, các chuyên gia dịch tễ khuyên khi phát hiện ca bệnh tại các trường học, nhà trường cần cách ly học sinh và khử sạch vật dụng trong lớp để tránh lây lan cho trẻ khác.
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Riêng tại các tỉnh phía Nam, số mắc tập trung từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Bệnh thường tấn công trẻ dưới năm tuổi và thường gặp nhất ở trẻ 2 đến 3 tuổi.
Phương Nghi