Thorvald, 16 tuổi, được ghi nhận là nhím gai châu Âu già nhất thế giới, vượt kỷ lục cũ tới 7 tuổi, Guardian hôm 15/2 đưa tin. Kỷ lục trước đó thuộc về nhím cái 9 tuổi ở Ireland, được các nhà nghiên cứu xác định vào năm 2014.
Thorvald là nhím đực, sống gần thị trấn Silkeborg, Đan Mạch. Tiến sĩ Sophie Lund Rasmussen từ Đơn vị Nghiên cứu Bảo tồn Động vật hoang dã (WildCRU) tại Đại học Oxford, người đứng đầu Dự án Nhím Đan Mạch, đã phát hiện ra Thorvald.
Năm 2016, Thorvald chết tại trung tâm chăm sóc động vật hoang dã của Tổ chức Bảo vệ Động vật Đan Mạch ở Silkeborg, sau khi bị chó tấn công. Đây cũng là nguyên nhân tử vong phổ biến ở nhím.
Thorvald là một trong gần 700 con nhím chết mà 400 tình nguyện viên thu thập để tiến hành nghiên cứu khoa học. Họ cũng tìm thấy một con nhím 13 tuổi và một con 11 tuổi. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Animals.
Xác nhím được gửi cho các nhà khoa học để xác định tuổi bằng cách đếm những đường sinh trưởng trong xương hàm của chúng, gần giống như đếm vòng cây. Nghiên cứu này rất có ý nghĩa vì số lượng nhím đang giảm ở nhiều quốc gia châu Âu. Nguyên nhân là môi trường sống bị phá hủy, nông nghiệp phát triển, tai nạn giao thông đường bộ và sự phân mảnh quần thể. Ở Anh, quần thể nhím nông thôn đã giảm tới 75% ở một số vùng chỉ trong 20 năm.
Thorvald bị nhiễm trùng vết cắn ở bụng và lưng. Nhiễm trùng cũng khiến bộ phận sinh sản của nó sưng tấy nghiêm trọng. Rasmussen cho biết, nếu không gặp những vấn đề như vậy, con nhím nhìn chung vẫn khỏe mạnh. Điều này cho thấy nhím gai châu Âu (Erinaceus europaeus) thậm chí có thể sống lâu hơn 16 năm.
Tuy nhiên, độ tuổi trung bình của những con vật được nghiên cứu chỉ là hai tuổi, 1/3 chết trước một tuổi. Nhóm chuyên gia nhận thấy nhím đực sống lâu hơn nhím cái, một điều khác thường ở động vật có vú. Tuổi thọ trung bình của nhím đực là 2,1 năm trong khi nhím cái là 1,6 năm.
"Xu hướng con đực sống lâu hơn con cái có thể đơn giản là vì chúng sống dễ dàng hơn. Nhím gai châu Âu không sống theo lãnh thổ riêng, đồng nghĩa con đực hiếm khi đánh nhau. Trong khi đó, nhím cái phải nuôi con một mình", Rasmussen giải thích.
Thống kê cho thấy hơn 50% số nhím mất mạng khi băng qua đường, xảy ra nhiều nhất vào tháng 7, khi chúng đi rất xa để tìm bạn tình. 22% khác chết tại các trung tâm chăm sóc sau khi được người dân mang đến và 22% chết do nguyên nhân tự nhiên ngoài vùng hoang dã.
Thu Thảo (Theo Guardian)