Thông tin được UBND TP Hà Nội nêu trong chuyên đề về đẩy mạnh quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn. Hà Nội đã có 23 dự án, tương đương 12.659 căn hộ, được duyệt bán, cho thuê trong giai đoạn 2016-2020.
Qua quá trình kiểm tra, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện phát hiện một số trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội nhưng sử dụng không đúng mục đích. Các sai phạm được ghi nhận như cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích tại Dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở xã hội tại 30 Phạm Văn Đồng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy).
Ngoài ra, có trường hợp cho ở nhờ, thuê lại hoặc không sử dụng như: Dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp không sử dụng; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp...
Nguyên nhân là các chủ đầu tư, cơ quan quản lý tại các quận, huyện có nhà ở xã hội và các bên liên quan chưa giám sát tốt việc sử dụng loại nhà ở này. Mặt khác, các đơn vị chức năng chưa quan tâm kiểm tra, xử phạt hành chính các vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà ở chung cư.
Theo đó, Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường giám sát khi xét duyệt người mua, thuê nhà ở xã hội cũng như quá trình sử dụng về sau.
Công an thành phố được yêu cầu chỉ đạo đơn vị tuyến quận, huyện, thị xã...thông qua quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng để theo dõi hộ, nhân khẩu đang cư trú thực tế; nắm bắt việc thay đổi nhân khẩu, hộ gia đình và xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Tháng 8/2021, Bộ Xây dựng cũng từng lưu ý phản ánh của báo chí về việc một số địa phương có hiện tượng môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội.
Đức Minh