Ngày 26/5, Trung tâm Bảo tồn di sản thế giới thành nhà Hồ cho biết, trong quá trình kiểm kê, khảo sát các di tích vùng đệm di sản thành nhà Hồ mới đây, các cán bộ chuyên môn phát hiện nhiều dấu tích và di vật cổ có niên đại thế kỷ 14-17 tại núi Xuân Đài, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá).
Những dấu tích kiến trúc và các di vật được phát hiện cách thành nhà Hồ khoảng 5 km về phía nam, nhưng phân bố rải rác ở nhiều vị trí. Hiện vật mới phát hiện đậm đặc nhất ở thung lũng hẹp có diện tích khoảng 100 m2, nằm trên độ cao khoảng 30-40 m bên phải chùa Du Anh. Căn cứ vào chất liệu, công dụng, giới chuyên môn phân loại hiện vật thành nhiều nhóm khác nhau.
Nhóm vật liệu kiến trúc chiếm số lượng nhiều nhất như ngói âm dương, ngói mũi sen đơn, ngói mũi sen kép, ngói mũi lá, ngói bò nóc. Đặc biệt, có số lượng lớn các loại ngói ống, ngói âm dương, ngói lá đề trang trí rồng tinh xảo được tráng men màu vàng (hoàng lưu ly) và tráng men màu xanh (thanh lưu ly). Ngói lưu ly có niên đại thế kỷ 14-16, là loại thường dùng để lợp các công trình kiến trúc của hoàng gia, hoặc các dinh thự của quan lại quý tộc, thời kỳ quân chủ phong kiến.
Ngoài ra, đoàn khảo sát còn phát hiện rất nhiều gạch vồ lớn, kích thước trung bình 45x24x7 cm, trong đó một số viên có in khắc chữ Hán – Nôm ghi tên các địa danh sản xuất giống như các hiện vật từng tìm thấy tại thành nhà Hồ cùng những chân đá tảng được đục đẽo vuông vức, có đường kính 41x41 cm và nhiều đồ gốm, sứ kích thước lớn.
Riêng đồ gốm có gốm men nâu, men ngọc, men trắng ngà, gốm hoa nâu. Nhiều đồ sành phần miệng có gờ hơi loe, trên thân và cổ có trang trí hoa văn hình sóng nước.
Các sử gia nhận định, những hiện vật mới phát hiện ở vùng đệm thành nhà Hồ có liên quan đến các công trình gác Ngọc Hoàng, am Công Chúa, hoặc lầu Nghinh Phong. Việc phát hiện những dấu tích, sưu tập được những di vật mới tại núi Xuân Đài góp phần bổ sung cứ liệu quan trọng phục vụ bảo tồn, nghiên cứu, phát huy giá trị Di sản thế giới thành nhà Hồ.
Lê Hoàng