Ngày 23/1, Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho hay, trong năm 2018 các nhà khoa học đã thực hiện khai quật lát cắt tường thành phía Đông Bắc của di sản này với diện tích 400 m2; khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài, huyện Vĩnh Lộc với diện tích 500 m2.
Qua khai quật cho thấy quy mô kết cấu tường thành nhà Hồ phức tạp, kiên cố được thi công theo nhiều lớp. Cụ thể, khu vực đất trong tường thành gia cố chắc chắn bằng đá khối và nền sét đầm lèn. Quá trình khai quật, nhiều di vật được tìm thấy chủ yếu là nhóm vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, đá khối, trang trí kiến trúc và nhóm các loại hình đồ dùng trong sinh hoạt như sành, sứ, tiền kim loại (chủ yếu thuộc niên đại Lý – Trần – Hồ - Lê).
Tại khu vực núi Xuân Đài, với hai hố khai quật đã phát lộ nhiều di vật cổ như gốm men, gạch bìa, gạch có chữ Hán, gạch trang trí hoa chanh, hoa cúc; ngói mũi sen đơn, kép; ngói mũi nhọn, trang trí kiến trúc thời Trần...
Theo Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ, những hiện vật mới phát hiện sẽ được trưng bày để người dân và du khách tham quan hiểu rõ hơn về công trình này.
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam, được xây dựng chỉ trong ba tháng (từ tháng 1/1397). Thành còn được gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, Hà Nội). Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vào cuối triều Trần và kinh đô của nước Đại Ngu trong 7 năm (1400-1407).
Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO), thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới.