Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge, Anh, phát hiện ngôi sao EBLM J0555–57Ab có kích thước nhỏ nhất từng được biết đến trong vũ trụ. Nó chỉ lớn hơn một chút so với sao Thổ, cách Trái Đất 600 năm ánh sáng, theo Science Alert. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics vào tháng 6/2017.
EBLM J0555–57Ab là một phần của hệ thống sao nhị phân, khi nó quay quanh một ngôi sao lớn hơn. Dù khá nhỏ so với các ngôi sao khác, EBLM J0555–57Ab vẫn có đủ khối lượng để cho phép phản ứng tổng hợp hạt nhân xảy ra bên trong lõi, biến đổi hydro thành heli.
"Phát hiện của chúng tôi cho thấy những ngôi sao có thể nhỏ đến mức nào. Nếu ngôi sao EBLM J0555–57Ab hình thành với khối lượng chỉ nhỏ hơn một chút thì phản ứng nhiệt hạch của hydro bên trong lõi không thể duy trì, và ngôi sao này sẽ biến thành một sao lùn nâu", Alexander Boetticher, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
EBLM J0555–57Ab có độ sáng mờ hơn Mặt Trời khoảng 2.000 - 3.000 lần. Các nhà khoa học phát hiện ngôi sao này khi nó di chuyển qua phía trước ngôi sao lớn hơn mà nó quay quanh gọi là EBLM J0555-57A. Theo ước tính, khối lượng của EBLM J0555-57Ab tương đương với ngôi sao Trappist-1 được phát hiện vào đầu năm nay nhưng với bán kính nhỏ hơn 30%.
Những ngôi sao nhỏ, mờ và mát mẻ như EBLM J0555–57Ab được coi là ứng cử viên tiềm năng chứa hành tinh có sự sống, do làm tăng khả năng lưu trữ nước lỏng trên bề mặt. Các ngôi sao nhỏ hơn 20% so với Mặt Trời là những ngôi sao phổ biến nhất trong vũ trụ, nhưng còn nhiều điều chúng ta chưa biết về chúng.
Lê Hùng