Các xác tàu được phát hiện bằng robot điều khiển từ xa tại một vùng bùn lầy sâu gần 2 km dưới đáy biển Levantine ở cực đông Địa Trung Hải, nơi rất hiếm các phát hiện khảo cổ được ghi nhận. Chúng là tàn dư của những con tàu thương mại thuộc đế chế Hy Lạp, La Mã và Ottoman, phục vụ hoạt động buôn bán gia vị, tơ lụa hay đồ gốm sứ từ Trung Quốc đến khu vực Biển Đỏ và Ba Tư cổ đại.
"Đối với các nhà khảo cổ, phát hiện này giống như việc khám phá ra một hành tinh mới", Sean Kingsley, nhà khảo cổ học tại Dự án tàu đắm Enigma (ESP) nói với trên đài BBC Radio 4. "Chúng tôi đã tìm thấy những đồ gốm sứ đầu tiên thuộc triều đại nhà Minh (Trung Quốc) dưới biển Địa Trung Hải. Chúng khá khó tìm và được bảo quản cực kỳ tốt".
Các con tàu có niên đại khác nhau, trải dài từ năm 300 trước Công nguyên đến thế kỷ 17. Con tàu trẻ nhất, lớn nhất và chứa nhiều cổ vật nhất trong đó được xác định bị đắm vào khoảng năm 1630. Nó dài tới 42 m và nặng 1.000 tấn, đủ lớn để đặt vừa hai chiếc tàu buôn cỡ thường trên boong.
Nhóm khảo cổ cho biết đã tìm thấy hàng trăm cổ vật thuộc 14 nền văn hóa và văn minh khác nhau. Bên cạnh đồ gốm sứ thuộc triều Minh, nghĩa địa tàu đắm còn chứa các thùng sơn, bình đựng cà phê và hạt tiêu, kiếm sắt và khiên đồng, hay những đồ thủy tinh và gốm sứ từ Italy, Bỉ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Đoàn Dương (Theo Guardian)