Các nhà khoa học tìm thấy xương của 585 con chó, mèo và khỉ trong nghĩa địa vật nuôi 2.000 năm tuổi ở cảng Berenice, Biển Đỏ, IFL Science hôm 1/3 đưa tin. Khu vực này được phát hiện lần đầu từ một thập kỷ trước, nhưng các chuyên gia khi đó không chắc những con vật này thực sự được chôn hay chỉ bị vứt bỏ.
Nghiên cứu mới trên tạp chí World Archaeology cho thấy đây là nghĩa địa vật nuôi cổ xưa nhất thế giới. Mỗi bộ xương động vật được đặt trong một chiếc huyệt đào cẩn thận. Tồn tại từ thế kỷ 1 - 2, nghĩa địa là nơi chôn cất của nhiều động vật, một số thậm chí không phải loài bản địa châu Phi. Phát hiện mới cung cấp thêm thông tin về cuộc sống thời Ai Cập cổ đại, đặc biệt là mối quan hệ giữa người và động vật.
Khoảng 90% vật nuôi chôn ở Berenice là mèo, các giống châu Phi nhỏ nằm cạnh giống lớn hơn của Ai Cập. Nhiều con đeo vòng cổ hoặc vật trang trí khác, cho thấy chúng là vật nuôi của người cổ đại. Nhóm nghiên cứu cũng phân tích thành phần trong dạ dày của một số con và kết luận, chúng được cho ăn những thức ăn chọn lọc mà mèo hoang không thể tiếp cận.
Chó chiếm khoảng 5% số vật nuôi tại nghĩa địa, phần lớn là chỏ Spitz nhỏ. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy xương của chó Maltese và một con chó lớn có hộp sọ dài khác thường, rất giống loại chó săn phổ biến ở Pompeii.
Nhiều con vật trong nghĩa địa sống thọ với vết thương hoặc bệnh tật, một số con chó mắc bệnh viêm lợi. Điều này cho thấy chúng phải được nguời cho ăn và chăm sóc cẩn thận. "Vì những con chó già này không thể tự tìm thức ăn, có thể kết luận rằng chúng phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người", nhóm nghiên cứu viết.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy xương của khỉ, trong đó có hai con khỉ macaque là loài bản địa của tiểu lục địa Ấn Độ. Nguyên nhân chúng trở thành vật nuôi ở Ai Cập vẫn là bí ẩn. Nhóm chuyên gia cũng tìm thấy một con khỉ được chôn cất đặc biệt với rất nhiều vỏ ốc và đồ gốm đặt quanh cơ thể.
Thu Thảo (Theo IFL Science)