"Thiên thạch này bay theo quỹ đạo nghiêng và lệch tâm rất lớn", Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết. Đây là thiên thạch lớn nhất kể từ năm 1999 đến nay bay qua Trái Đất, với đường kính lên tới 610 mét, và vận tốc cao bất thường 35 km/s.
Mặc dù có đường kính khổng lồ, nhưng các nhà khoa học chỉ phát hiện nó hôm 10/10, ba tuần trước khi sượt qua Trái Đất đúng ngày Halloween 31/10. Thiên thạch có tên 2015 TB145 được phát hiện qua kính thiên văn Pan-Starrs đặt tại Hawaii của NASA. Nó sẽ bay cách Trái Đất khoảng 500.000 km, gấp khoảng 1,5 lần khoảng cách trung bình từ địa cầu tới Mặt Trăng, và là thiên thạch lớn nhất bay qua Trái Đất cho tới tận năm 2027.
Việc phát hiện muộn thiên thạch 2015 TB145 một lần nữa khiến các nhà khoa học kêu gọi nghiên cứu nhiều hơn công nghệ theo dõi và phát hiện tiểu hành tinh, để bảo vệ Trái Đất khỏi những khối đá vũ trụ có khả năng gây nguy hiểm. Ước tính, con người mới phát hiện được khoảng 1% tiểu hành tinh có đường kính lớn hơn 40 mét có khả năng đe dọa Trái Đất.
Hồng Hạnh