Hiểu biết của chúng ta về những gì nằm bên trong Trái Đất chủ yếu được suy ra từ dữ liệu liên quan đến núi lửa và sóng địa chấn. Cấu trúc của hành tinh xanh xưa nay được cho là gồm bốn lớp chính: lớp vỏ, lớp phủ, lõi ngoài và lõi trong.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Geophysical Research, các nhà địa vật lý từ Đại học Quốc gia Australia báo cáo rằng họ đã tìm được bằng chứng cho thấy phần lõi bên trong của Trái Đất có thể là hai lớp riêng biệt.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một thuật toán tìm kiếm để rà soát và đối sánh hàng nghìn mô hình của phần lõi trong với dữ liệu quan sát trong nhiều thập kỷ về thời gian sóng địa chấn di chuyển qua Trái Đất do Trung tâm Địa chấn Quốc tế thu thập.
Kết quả không cho thấy nhiều sự khác biệt trong độ sâu của lõi trong, nhưng đã phát hiện ra sự thay đổi cấu trúc của sắt, thứ ảnh hưởng đến thời gian sóng địa chấn truyền qua lõi. Theo tác giả chính của nghiên cứu Joanne Stevenson, điều này cho thấy có thể đã có hai sự kiện nguội lạnh riêng biệt trong lịch sử Trái Đất
Phát hiện mới giải thích tại sao một số dữ liệu thực nghiệm nhất định không phù hợp với các mô hình hiện tại về cấu trúc hành tinh. Nhóm nghiên cứu tin vào sự hiện diện của một lớp nữa ở tận cùng của Trái Đất (lớp thứ 5) dựa vào một số bằng chứng cho thấy các tinh thể sắt tạo nên phần lõi trong của hành tinh có các liên kết cấu trúc khác nhau.
"Chúng ta hiện bị giới hạn bởi sự phân bố của các trận động đất và máy thu tín hiệu trên toàn cầu, đặc biệt là tại hai cực. Hy vọng các phương pháp nghiên cứu mới đang được phát triển có thể sớm lấp đầy khoảng trống dữ liệu về Trái Đất", Stevenson chia sẻ.
Đoàn Dương (Theo Science Alert)