BA.2 lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ và Nam Phi vào cuối tháng 12/2021. Nó được coi là dòng phụ, xuất hiện từ một đột biến của Omicron. Bản thân Omicron cũng được sinh ra từ một đột biến của chủng Delta.
Hôm 20/1, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran lần đầu đề cập đến biến chủng này, đồng thời cho biết các cơ quan y tế đang phân tích và theo dõi chặt chẽ BA.2.
Chủng này có hơn 20 đột biến, khoảng một nửa trong số đó là ở protein gai, bộ phận virus sử dụng để bám vào tế bào người, chìa khóa giúp mầm bệnh xâm nhập cơ thể.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng đáng lo ngại. Ở giai đoạn này, cơ quan không phân biệt giữa Omicron và dòng phụ BA.2 của nó.
Giới khoa học đang nghiên cứu biến chủng BA.2, song vẫn chưa có dữ liệu để xác định khả năng kháng vaccine hoặc độ nghiêm trọng của nó. Những báo cáo đầu tiên được đưa ra khá thận trọng.
Trích dẫn nghiên cứu sơ bộ từ Ấn Độ và Đan Mạch, Tom Peacock, chuyên gia virus của Đại học Hoàng gia London nhận định độ nghiêm trọng triệu chứng của BA.2 không khác biệt nhiều so với Omicron. Giới chuyên gia có thể thu được dữ liệu chắc chắn hơn trong những tuần tới.
"Cá nhân tôi không nghĩ BA.2 có tác động đáng kể đến làn sóng Omicron đang hoành hành. Một số quốc gia đang ở gần hoặc thậm chí đã vượt qua đỉnh dịch. Tôi sẽ khá ngạc nhiên nếu BA.2 gây ra làn sóng thứ hai ở thời điểm này. Ngay cả với khả năng truyền nhiễm cao, nó sẽ không gây tác động nhiều như Delta hay Omicron. Có thể nó sẽ lây lan chậm chạp và tinh vi hơn", ông Peacock nói thêm.
Theo nhà dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Geneva, các nước nên chú ý tìm hiểu khả năng kháng kháng thể của BA.2. Họ cần xem xét liệu người nhiễm Omicron có tái nhiễm biến chủng này hay không.
BA.2 khó theo dõi và đặt ra những thách thức nhất định cho các nhà khoa học. Theo Florence Débarre, nhà sinh vật học tại Viện Sinh thái và Khoa học Môi trường ở Paris, quy trình và các bộ xét nghiệm PCR hiện rất đa dạng. Chúng khác nhau giữa các nước, nhà sản xuất và thậm chí từng phòng thí nghiệm. Điều này khiến việc xác định người nhiễm biến chủng BA.2 rất khó khăn.
"Ở Anh, các xét nghiệm không cho phép chúng tôi phân biệt BA.2 và Delta", ông nói.
Các nhà khoa học có thể giải trình tự gene để tìm ra người nhiễm biến chủng BA.2. Đây là công cụ chính xác hơn song ít phổ biến. Ví dụ tại Pháp, chỉ có một số phòng thí nghiệm đủ điều kiện làm điều này. Giải trình tự cũng mất nhiều thời gian, không thích hợp để theo dõi một biến chủng có tốc độ lây lan nhanh chóng.
BA.2 đã được phát hiện ở ít nhất 43 quốc gia, trên tất cả các lục địa. Nó trở nên phổ biến Ấn Độ, Đan Mạch và Thụy Điển. Tại Đại Mạch, số ca nhiễm nCoV hàng ngày đã bắt đầu tăng trở lại, ngay khi nước này cho rằng dịch đã đạt đỉnh.
"Nhà chức trách Đan Mạch chưa có lời giải thích về hiện tượng này, song mọi thứ đang được theo dõi chặt chẽ. Có thể BA.2 dễ lây truyền hơn", cơ quan y tế công cộng Pháp đang theo dõi biến chủng mới ở Đan Mạch, cho hay.
Trước đó, hôm 9/1, các nhà khoa học Đại học Cyprus phát hiện ra một biến chủng mới, đặt tên tạm là Deltacron, mang các dấu hiệu di truyền của chủng Omicron và Delta.
Leondios Kostrikis, giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Cyprus, cho biết ông và cộng sự đã phát hiện 25 trường hợp nhiễm Deltacron, chủng mang bộ gene của Delta nhưng có các đột biến giống Omicron. Trình tự gene virus của 25 ca đã được gửi tới GISAID, cơ sở dữ liệu quốc tế chuyên theo dõi thay đổi của nCoV.
Thục Linh (Theo France24)