Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science hôm 8/2 cho thấy, một mỏ hydro khổng lồ có thể ẩn sâu bên dưới mỏ crom Bulqize ở Albania. Mỏ nằm trong một mảnh của lớp vỏ và lớp phủ Trái Đất, từng nằm dưới đáy đại dương và bị bong ra khi mảng kiến tạo của nó trượt xuống dưới một mảng khác. Mảnh này được đẩy lên đất liền cách đây khoảng 45 - 15 triệu năm, tạo thành một vành đai đá dài 3.000 km gọi là ophiolite, trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Slovenia.
Ophiolite tồn tại trên khắp thế giới và các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận khí hydro rỉ ra từ những lỗ khoan và mỏ ở cấu trúc này. Trong nghiên cứu mới, Laurent Truche, giáo sư địa hóa học tại Đại học Grenoble Alpes, cùng đồng nghiệp phát hiện mỏ hydro nhờ những luồng hydro khổng lồ tỏa ra từ các hồ nước bên trong mỏ Bulqize. Những mỏ hydro như vậy có thể được khai thác để cung cấp nhiên liệu không carbon, nhưng cơ sở hạ tầng cần thiết còn thiếu và khí này vốn rất khó khai thác.
Truche cùng đồng nghiệp đã khám phá những tầng sâu nhất của mỏ crom Bulqize và ghi nhận lượng khí hydro cực lớn rỉ ra từ đá và sủi bọt lên từ các hồ nước. Kết quả đo đạc của họ cho thấy, ít nhất 200 tấn hydro chất lượng cao thoát ra từ mỏ mỗi năm, một trong những tốc độ chảy hydro tự nhiên cao nhất từng ghi nhận đến nay.
Hydro là loại khí rất dễ cháy. Nồng độ hydro cao trong mỏ Bulqize có thể là nguyên nhân gây ra 3 vụ nổ kể từ năm 2011, khiến 4 thợ mỏ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. "Nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp hiểu rõ hiện tượng này và nâng cao tính an toàn", Truche nói. Nghiên cứu mới cũng làm rõ thêm về các điều kiện địa chất tạo nên trữ lượng lớn hydro tự nhiên dưới lòng đất.
Nhóm của Truche ước tính, có tới 50.000 tấn hydro có thể ẩn trong mỏ, đủ để duy trì tốc độ chảy hydro cao trong khoảng 238 năm. "Điều khiến phát hiện mới trở nên khác biệt là dòng khí hydro lớn gần như tinh khiết mà chúng tôi quan sát được. Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng, phát hiện của chúng tôi có thể ảnh hưởng đáng kể đến công cuộc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới", họ cho biết.
Thu Thảo (Theo Live Science)