![Chuyên gia khai quật mồ chôn voi ma mút ở Mexico. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/11/07/hoa-thach-voi-ma-mut-resize-3195-1573097158.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=otg6b9LN2Q_XymvE4ZsQuw)
Chuyên gia khai quật mồ chôn voi ma mút ở Mexico. Ảnh: AFP.
Khoảng 800 mảnh xương từ ít nhất 14 con voi ma mút đã được tìm thấy gần một công trường xây dựng sân bay ở thị trấn Tultepec, miền trung Mexico. Đây là phát hiện hóa thạch voi ma mút lớn nhất từng được thực hiện, theo Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia (INAH).
Các nhà khảo cổ còn khai quật được "chiếc bẫy voi ma mút đầu tiên trên thế giới", bằng chứng cho thấy những động vật ăn cỏ to lớn này đã bị con người săn bắt từ cách đây 14.000 năm.
"Những đàn voi ma mút sinh sống tại đây trong hàng nghìn năm. Chúng lớn lên, sinh sản và cuối cùng chết đi hoặc bị săn bắt. Nhiều loài thú ăn cỏ như ngựa và lạc đà cũng sống trong thời gian này", nhà khảo cổ học Luis Cordoba từ INAH cho biết.
Mexico nổi tiếng là nơi có nhiều phát hiện lớn về voi ma mút. Trước đó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của ít nhất 5 đàn voi ma mút trong khu vực. Vào những năm 1970, các công nhân xây dựng tuyến tàu điện ngầm Mexico City cũng tình cờ đào được một bộ xương của chúng ở phía bắc thành phố.
Voi ma mút hay voi lông dài (Mammuthus) là một chi voi cổ đại sinh sống từ thế Thượng Tân đến thế Toàn Tân, khoảng 4,8 triệu năm đến 4.500 năm trước. Loài lớn nhất cao tới 4 m và nặng 8 tấn. So với họ hàng voi hiện đại ngày nay, chúng có đôi ngà lớn và cong hơn, có thể dài 3,5 m, và sở hữu bộ lông rất rậm và dài, xấp xỉ 50 cm.
Đoàn Dương (Theo AFP)