Zackrydz Rodzi, 20 tuổi, sinh viên ở thị trấn Batu Pahat, Johor, Malaysia, cho biết một tối cuối tuần trước, anh đi ngủ và để điện thoại cạnh giường, nhưng hôm sau tỉnh dậy, điện thoại đã mất tích. Cuối cùng, anh lần theo dấu vết đến khu rừng phía sau nhà và tìm thấy chiếc điện thoại.
Khi mở khóa, Rodzi phát hiện những bức ảnh selfie của một con khỉ lưu trong máy. Hầu hết các hình ảnh đều bị mờ, mất nét, phía sau còn có hình ảnh lá hoặc cành cây. Một vài bức ảnh cho thấy khuôn mặt của một con khỉ khi nó cầm điện thoại.
Rodzi đã cho gia đình và bạn bè xem những bức ảnh "không thể tin được" này trước khi đăng lên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt xem. Rodzi kể sau một ngày tìm kiếm mà vẫn không thấy điện thoại, Rodzi đã nghĩ có "ma thuật" gì ở đây. Nhưng khi bố anh nói rằng đã nhìn thấy một con khỉ sau nhà vào đêm Rodzi mất điện thoại, Rodzi bắt đầu đưa nó vào diện "nghi vấn".
Rodzi dùng điện thoại của anh trai để gọi vào máy của mình và lần theo dấu vết, phát hiện điện thoại nằm trong khu vườn sau nhà. Điện thoại vấy bùn đất nhưng không bị hỏng. Gia đình Rodzi đoán con khỉ đã đột nhập qua cửa sổ để lấy điện thoại trên giường.
Đây không phải lần đầu tiên khỉ "tự sướng" trên máy của người. Năm 2011, nhiếp ảnh gia người Anh David Slater đang chụp ảnh bằng chân đế ở Indonesia thì một con khỉ đã selfie trên máy ảnh nhân lúc anh ra ngoài.
Năm 2015, Hiệp hội bảo vệ động vật (PETA) kiện Slater vì đã xuất bản cuốn sách trong đó bao gồm tấm ảnh do chú khỉ chụp, điều bị cho là vi phạm Đạo luật về quyền tác giả. Tuy nhiên, Slater phản biện rằng một con khỉ không thể có quyền tác giả. Slater cuối cùng thắng kiện, nhưng đồng ý quyên góp 25% doanh thu từ bức ảnh chú khỉ selfie cho các tổ chức từ thiện bảo vệ khỉ đuôi dài.
Mai Lâm (Theo Daily Mail)