Nghiên cứu được thực hiện khi PGS Long (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và cộng sự thực hiện đề tài điều tra đánh giá hiện trạng các loài cây thuốc thuộc chi sâm (Panax L.) ở khu dự trữ sinh quyển tây Nghệ An (Khu vực Phu Xai Lai Leng)" trong hai năm 2018-2019.
Chi sâm Panax thuộc họ Ngũ gia bì, phân bố rất hạn chế, bao gồm bảy loài ở Đông Á và một loài ở Bắc Mỹ. Tất cả các loài thuộc chi thực vật này đều là những cây thuốc, trong đó có nhân sâm (Panax ginseng), tam thất (Panax notoginseng).
Ở Việt Nam hiện nay đã biết đến 3 loài trong tự nhiên là sâm Ngọc Linh, tam thất hoang và sâm vũ diệp.
PGS.TS Phan Kế Long đã sử dụng các đoạn DNA trong hệ gene được tiêu chuẩn hóa để xác định, nhận dạng loài để xác định 32 mẫu sâm tự nhiên thu tại núi Phu Xai Lai Leng và 19 mẫu sâm tại Vườn Dược liệu của Công ty TH, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An. Mục tiêu để "xác định mối quan hệ họ hàng của chúng với các loài trong chi nhân sâm", PGS Long cho biết.
Kết quả cho thấy có sự trùng khớp 100% mẫu gene giữa các loài sâm với tam thất hoang. Cụ thể, cả 32 mẫu sâm tự nhiên (Panax TB) đều có mối quan hệ chặt chẽ với loài tam thất hoang (P.stipuleanatus) ở tỷ lệ trùng khớp là 99 - 100%. Mối quan hệ di truyền loài trong chi Panax cũng chỉ ra, chi Panax có cùng nguồn gốc tiến hóa.
"Kết quả này có ý nghĩa rất lớn. Các loài sâm của Hàn Quốc hay sâm Ngọc Linh của Việt Nam đều có chung nguồn gốc với tam thất hoang. Việc nghiên cứu hoạt chất, nâng cao giá trị của tam thất hoang cần được tính đến để bảo tồn loài thuốc quý hiếm này", PGS.TS Phan Kế Long cho hay.
Các hoạt chất được phân lập trong thân rễ của tam thất hoang thu thập được ở Việt Nam như aglycone, oleanolic acid, panaxadiolm... đều có khả năng kháng ung thư, kháng viêm. Tác dụng này thông qua cơ chế kìm hãm sự hoạt động của tác nhân NF-ĸB truyền tín hiệu kích hoạt biểu hiện một số gene liên quan đến sự viêm.
Theo ông Long, do bị khai thác quá mức, mất môi trường sống, quần thể Tam thất hoang ở khu vực nghiên cứu đã suy giảm 90% trong vòng 10 năm (từ 2010-2019) theo chỉ tiêu đánh giá của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN. Hiện tam thất hoang còn phân bố ở một số nơi như vùng núi Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), vùng núi Phu Xai Lai Leng (Nghệ An), vùng núi Tam Đường (Lai Châu) và một số vùng thuộc tỉnh Hà Giang.
Phương pháp bảo tồn tam thất hoang được nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng mô hình bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh sang khu vực Phu Xai Lai Leng, khuyến khích doanh nghiệp và người dân cùng tham gia bảo tồn, nhân giống tại chỗ và khai thác bền vững. Đề tài vừa được hội đồng khoa học nghiệm thu xuất sắc.