![]() |
Stellamedusa ventana. |
Ban đầu, sinh vật được các nhà nghiên cứu tìm ra đặt cho biệt danh "Bumpy", nghĩa là gồ ghề, bởi cơ thể nó được bao phủ bởi những cái bướu tí hon. Nhưng nay nó đã mang một cái tên chính thức: Stellamedusa ventana.
Stellamedusa ventana bất thường do nó các cánh tay thay vì những xúc tu, Kevin Raskoff thuộc Viện nghiên cứu Bay Aquarium Monterey ở California cho biết. Cánh tay mọc ra từ bên trong thân thể hình chuông của con sứa và vận động giống như một đôi môi kéo dài, giúp lôi thức ăn về phía miệng. Các bướu trên cơ thể là những chùm tế bào bám dính giúp nó bắt giữ con mồi.
Theo các nhà nghiên cứu, cả đặc điểm giải phẫu và hành vi của con sứa mới này đều khác xa so với họ hàng của nó, đủ để xếp thành một phân họ mới. "Đây là một cách sắp xếp hợp lý", Raskoff nói. Chúng giống như sư tử với mèo nhà, tuy thuộc cùng một họ, nhưng được chia thành các phân họ khác nhau. Phân họ này được đặt tên là Stellamedusinae, nâng tổng số phân họ sứa lên con số 8.
Sau lần phát hiện ra sinh vật này đầu tiên cách đây 13 năm, Raskoff và cộng sự George Matsumoto đã phải đợi nhiều năm mới công bố khám phá của mình, bởi họ muốn thu thập thêm nhiều thông tin. Kể từ đó, họ mới có 7 lần nhìn thấy chúng. Loài sinh vật này có đường kính từ 10 đến 20 cm, được cho là sống ở độ sâu 150-550 mét, ngay bên dưới ngưỡng tới của ánh sáng mặt trời.
Trong một lần lặn, Raskoff và Matsumoto đã bắt được một mẫu vật và đưa về phòng thí nghiệm. Tại đây, họ cho nó ăn tôm và các mảnh mực. Thức ăn dần dần bám vào các bướu của sứa. Sau đó, chúng được chuyển tới các cánh tay và đi vào trong cái miệng đang há ra chờ đợi.
Một nhà sinh vật học Anh phỏng đoán rằng, có lẽ công dụng của những cái bướu là tiết chất độc giết chết con mồi. Còn theo Raskoff, sinh vật này có thể săn các con mồi khá lớn như các loài sứa khác và những sinh vật tương tự.
B.H. (theo Nature)