Các nhà nghiên cứu đã so sánh chất liệu di truyền của những con rùa sống tại vùng đất thấp trên đảo San Cristobal ngày nay với xương và vỏ rùa được thu thập vào năm 1906 từ một hang động trên vùng cao nguyên của hòn đảo và nhận thấy chúng không thuộc cùng một loài như suy nghĩ trước đây.
"Loài rùa khổng lồ hiện sống ở San Cristoba, cho đến nay được biết đến với tên khoa học là Chelonoidis chathamensis, nhưng thực ra là một loài khác về mặt di truyền", Bộ Môi trường Ecuador hôm 11/3 cho biết trong một tuyên bố trên Twitter.
Các nhà thám hiểm vào thế kỷ 20 chưa bao giờ đến vùng đất thấp phía đông bắc của hòn đảo, nơi rùa khổng lồ sinh sống ngày nay. Trên thực tế, San Cristoba có thể từng là nhà của hai giống rùa khác nhau: một loài sống ở vùng cao và một loài ở vùng đất thấp.
Phân tích ADN cho thấy rùa khổng lồ San Cristobal ngày nay khác biệt về mặt di truyền. Video: AFP
Tổ chức bảo tồn Galapagos Conservancy tin rằng loài Chelonoidis chathamensis "gần như đã tuyệt chủng" và khoảng 8.000 con rùa còn tồn tại ở vùng đất thấp của San Cristoba thuộc về một dòng dõi khác.
"Phát hiện này, đối với Galapagos, cho thấy sự biến đổi gene liên tục ở các loài. Chúng ta luôn coi rùa khổng lồ San Cristobal là một loài độc nhất, Chelonoidis chathamensis, nhưng nghiên cứu ADN cho thấy những con rùa ngày nay không khớp về mặt di truyền với Chelonoidis chathamensis. Nó tương ứng với một dòng dõi mới sẽ được mô tả khoa học sau này", Danny Rueda, người đứng đầu Công viên Quốc gia Galapagos, nói với AFP.
Nằm trên Thái Bình Dương cách bờ biển Ecuador khoảng 1.000 km, quần đảo Galapagos là một khu bảo tồn hoang dã nổi tiếng với các loài động thực vật độc đáo. Đây chính là nơi nhà địa chất và tự nhiên học nổi tiếng người Anh Charles Darwin thực hiện các nghiên cứu về thuyết tiến hóa.
Đoàn Dương (Theo AFP)