Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội mới đây kiểm tra lô hàng hóa được vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Nội Bài. Sau đó, hàng này được vận chuyển đến kho hàng hóa nội địa thuộc Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài. Đây là công ty cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hoá cho 27 trên tổng số 55 hãng hàng không trong và ngoài nước đang khai thác tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Quản lý thị trường đã làm việc với đại diện Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài và đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đề nghị tạo điều kiện cho lực lượng khám hàng hóa theo quy định, vì người nhận lô hàng trên chưa đến nhận dù đã thông báo.
Kết quả kiểm tra cho thấy các sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thuốc tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi, sữa các loại... với tổng số 1.877 sản phẩm, chứa trong 43 kiện và 10 thùng. Toàn bộ số hàng này do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo.
Quản lý thị trường cho biết, theo nhận định ban đầu đây là lô hàng có giá trị lớn nằm trong một đường dây chuyên vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên lợi dụng đường hàng không để đưa hàng vào sâu nội địa, cất giấu cả trong các kho chứa chuyên nghiệp.
Quản lý thị trường đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, và đề nghị Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài, Vietnam Airlines thông báo cho chủ lô hàng trên đến cơ quan chức năng làm việc theo quy định pháp luật.
Từ đầu tháng 6, các hãng hàng không bắt đầu khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03-Bộ Công an) nhận định, các đường dây, ổ nhóm chuyên vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ hoạt động mạnh trở lại lợi dụng hình thức vận chuyển hàng không.
Anh Minh