IVF hay còn gọi là thụ tinh trong ống nghiệm là một trong những phương pháp thụ tinh để hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Theo thông tin bạn cung cấp, việc con bạn không mang ADN của chồng bạn xuất phát từ lỗi của phía bệnh viện.
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt hành chính đối với hành vi "nhầm lẫn" ADN của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con mà chỉ mới quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Điểm b khoản 4 Điều 42 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định người có hành vi "thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không tuân theo quy trình kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Y tế ban hành" bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.
Đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu bạn có căn cứ cho rằng con không mang ADN của chồng là lỗi của các y, bác sĩ thực hiện ca thụ tinh nhân tạo này thì có thể làm đơn tố cáo hành vi Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, theo Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Tuy nhiên, việc thu thập, xác minh thêm các thông tin về yếu tố lỗi của bệnh viện để làm đơn tố cáo cũng là hết sức khó khăn. Với dữ liệu bạn cung cấp, phương án khả thi nhất là bạn hoặc chồng hoặc cả hai gửi đơn khiếu nại lên Sở Y tế nơi đặt trụ sở chính của bệnh viện đó.
Vợ chồng bạn có thể khiếu nại về hành vi không tuân thủ quy trình kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, dẫn đến hậu quả cháu bé sinh ra không mang ADN của người cha.
Từ đó, vợ chồng có thể yêu cầu xử lý kỷ luật kíp y, bác sĩ thực hiện ca thụ tinh nhân tạo của bạn và có phương án giải quyết tồn tại, bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội