Mẫu do anh Trương Văn Đại, 27 tuổi, công nhân mỏ đá Hoàng Mai, trú tại xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) thu thập được. Cách đây 7 năm, khi đập đá tại mỏ Hoàng Mai, tình cờ anh Đại nhìn thấy một miếng đá vỡ ra có hình dạng, màu sắc rất giống với những con ốc biển, nhưng kích thước lớn hơn nhiều. Cho đây là điều kỳ lạ, anh Đại mang về khoe với gia đình và hàng xóm.
Giống như anh Đại, người dân xung quanh chẳng hiểu hòn đá kỳ lạ từ đâu mà có và nó dần bị lãng quên, thậm chí đã có lúc được mang ra kê chân giàn giáo. Gần đây, anh Đại mang câu chuyện hòn đá có hình dạng và màu sắc tựa những con ốc biển kể với bạn bè. Họ khuyên anh hỏi các nhà khoa học ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Ngày 15/7, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cùng các nhà khoa học Phòng Địa chất đã vào giám định và xác nhận, đây là hóa thạch của một loài ốc biển. Loài ốc này thuộc ngành động vật thân mềm (Mollusca), lớp chân bụng (Gastropoda), họ Naticopsidae, giống Naticopsis.
Hóa thạch sưu tập được cao 145 mm, rộng 130 mm, dày 7 mm, được xác nhận nằm trong lớp đá vôi màu xám sáng, ứng với khoảng 247,2-242 triệu năm trước. Mẫu hóa thạch được bảo tồn hoàn hảo cấu trúc mặt ngoài của mảnh vỏ, có ý nghĩa khoa học rất cao, đủ tiêu chuẩn để định loại cấp loài.
"Hiện vì chưa đủ văn liệu đối chiếu, chúng tôi tạm thời xác định dưới dạng bỏ ngỏ (Naticopsis spp.), nhưng hoàn toàn có đủ cơ sở để xác nhận đây là một loài có kích thước lớn nhất, lần đầu tiên được phát hiện trong địa tầng của kỷ Trias ở Việt Nam", TS Nguyễn Hữu Hùng, chuyên viên của Bảo tàng Thiên nhiên nói.
Ông Hùng cho biết, đến nay các nhà nghiên cứu cổ sinh trên thế giới đã phát hiện được hóa thạch của 85 loài ốc biển thuộc giống Naticopsis trong các đá trầm tích thuộc các tướng biển nông ven bờ, tướng thềm lục địa, trong các rạn ám tiêu san hô cổ; có niên đại từ 449,5 triệu năm (kỷ Ordovic) đến 66,043 triệu năm (cuối kỷ Creta) ở châu Úc, Nam Mỹ, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Hữu Hùng