Một miệng hố khổng lồ có diện tích lớn gấp 5 lần thủ đô Paris, Pháp được phát hiện nằm sâu 800 m bên dưới sông băng Hiawatha ở phía tây bắc Greenland, các nhà khoa học thuộc Đại học Copenhagen, Đan Mạch hôm qua công bố trên tạp chí Science Advances. Miệng hố được cho là hình thành do va chạm với thiên thạch cách đây khoảng 12.000 năm, theo IFL Science.
Miệng hố có đường kính gần 31 km, biến nó trở thành một trong 25 hố thiên thạch hình thành do va chạm lớn nhất trên Trái Đất. Vật thể gây ra va chạm được cho là một thiên thạch bằng sắt nặng 12 tỷ tấn và rộng khoảng 1.500 - 3.000 m. Thiên thạch rơi trúng Greendland vào kỷ Băng hà cuối cùng với sức công phá tương đương 47 triệu quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.
Theo Kurt Kjaer, trưởng nhóm nghiên cứu, vụ va chạm đã quét sạch sự sống trong bán kính 100 km và có thể là tác nhân chính khiến nhiệt độ ở Bắc Bán cầu giảm xuống mức băng giá khoảng 12.900 - 11.700 năm trước.
Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tìm kiếm và nghiên cứu những mảnh vỡ của thiên thạch xung quanh hố va chạm với hy vọng có thể xác định chính xác tuổi của miệng hố, cũng như hiệu ứng mà vụ va chạm gây ra trên Trái Đất vào thời điểm đó. "Chắc chắn còn rất nhiều điều để khám phá. Chúng tôi đang thấy những bí ẩn dần được hé lộ", Kjaer cho biết.