Theo Sci News, Hiệp hội Thiên văn học quốc tế đặt tên cho hành tinh lùn mới là 2015 RR245. Đây là thiên thể có độ lớn thứ 18 trong vành đai Kuiper, với đường kính khoảng 700 km. 2015 RR245 nằm ở vị trí cách xa 120 lần so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời, bay theo quỹ đạo hình elip quanh Mặt Trời với chu kỳ 700 năm.
Nhà thiên văn học J.J. Kavelaars cùng với Hội đồng nghiên cứu quốc gia Canada phát hiện hành tinh lùn này lần đầu tiên vào tháng 2/2016 sau khi xem xét hình ảnh chụp bởi Kính viễn vọng Canada-France-Hawaii (CFHT) trong Chương trình Khảo sát nguồn gốc của phần ngoài hệ Mặt Trời (OSSOS).
"Các thế giới băng giá nằm xa hơn sao Hải Vương mô tả cách thức những hành tinh khổng lồ hình thành và di chuyển ra xa Mặt Trời. Chúng là mảnh ghép về lịch sử của hệ Mặt Trời", Michele Bannister, nhà nghiên cứu tại Đại học Victoria, Canada, cho biết. "Hầu hết thiên thể băng giá đều nhỏ bé và mờ nhạt. Thật là thú vị khi phát hiện thấy một thiên thể băng giá đủ lớn và sáng để chúng tôi có thể nghiên cứu chi tiết."
2015 RR245 là một trong số hàng chục nghìn vật thể nhỏ ở phía ngoài sao Hải Vương. Con người hầu như không quan sát được quỹ đạo của chúng.
"Đa số hành tinh lùn giống như 2015 RR245 bị phá hủy hoặc rời khỏi hệ Mặt Trời trong sự hỗn loạn, xảy ra khi các hành tinh khổng lồ di chuyển ra vị trí hiện tại của chúng. 2015 RR245 là một trong số ít hành tinh lùn còn tồn tại đến ngày nay. Hai hành tinh lùn lớn nhất được biết đến là sao Diêm Vương và Eris", các nhà thiên văn cho biết.
Theo Space, giới thiên văn học đang nghiên cứu để đưa ra quỹ đạo chi tiết của 2015 RR245. Hiện tại, họ cho rằng điểm gần Mặt Trời nhất của hành tinh lùn này là 34 AU, trong khi điểm xa nhất hơn 120 AU (AU là khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời, bằng 150 triệu km). Hành tinh lùn 2015 RR245 dự kiến đến điểm gần Mặt Trời nhất vào năm 2096.
Xem thêm: Mặt Trời trông thế nào trên những hành tinh khác
Lê Hùng