Tháng 11/2003, cơ quan chức năng huyện Krông Pa phát hiện một công xưởng khai thác gỗ quy mô tại tiểu khu 1380 (giáp ranh giữa 2 xã Uar và Chư Drăng). Tang vật tại hiện trường gồm 28 lóng gỗ hương (gỗ quý hiếm nhóm 1) đường kính 30-40 cm, dài 1,1 m và 615 thanh gỗ dài 0,5-1,2 m; cùng một máy nổ, một cưa mâm, 4 lưỡi cưa lốc...
Từ khai nhận của hai đối tượng bị bắt giữ là Phan Văn Dũng và Nguyễn Binh, công an phát hiện thêm tại tiểu khu 1390 có 9 m3 gỗ tròn bị triệt hạ. Kiểm tra tiểu khu 1380 còn tìm thấy thêm 22 gốc, tiểu khu 1390 có 20 gốc (đều là gỗ hương; đường kính 60 cm) mới bị chặt hạ. Các vụ phá rừng trên đều do Nguyễn Binh cùng một người tên Đào Minh Long (Long "Vịt") cầm đầu, từ tháng 10/2003.
Mở rộng điều tra, giữa tháng 12/2003, cơ quan chức năng tìm ra vết tích của 15 bãi tập kết gỗ (hầu hết là gỗ quý hiếm) với hàng trăm gốc cây bị triệt hạ. Gỗ thành phẩm được chế biến thành lamri ốp tường, hầu hết đã được vận chuyển ra khỏi rừng.
Ngày 28/12, Công an Krông Pa đã khởi tố bị can với Dũng, Binh và Long cùng 7 người khác, trong đó một cán bộ Hạt Kiểm lâm Krông Pa là Trần Xuân Toàn.
Trưởng công an huyện Krông Pa Dương Thanh Xừ cho biết, đây chỉ là "phần đầu" của những đường dây phá rừng đã hoạt động từ lâu tại Krông Pa. Một người dân tên Ama Thu kể: Từ lâu đã có hàng đoàn xe môtô được thuê chở gỗ lamri từ rừng qua địa phận xã Uar mỗi ngày. Song không biết tại sao Hạt Kiểm lâm huyện không hề hay biết. Nhóm khai thác gỗ lậu chỉ sử dụng khoảng 50 - 60% gỗ thịt. Phần còn lại của cây rừng, chúng đem đốt để huỷ bỏ bớt tang vật.
Tương tự, ngày 10/12, cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng của Lâm trường Đức Cơ cũng phát hiện một nhóm người mang máy móc, phương tiện phá rừng vào tiểu khu 686 (thuộc địa phận lâm trường quản lý). Nhưng cán bộ thi hành công vụ chỉ bắt giữ được 2 trong số hơn 100 người tham gia vụ phá rừng này. Tang vật thu tại hiện trường gồm 22 gốc gỗ căm xe, khoảng 31 m3. Người dân khu vực cho hay, nhóm này đã đem cưa vào rừng khai thác gỗ từ hơn một tuần trước đó.
(Theo Lao Động)