![]() |
Bệ đá được tìm thấy. |
Đình làng Thế Chí Tây tọa lạc trên khu đất cao ven quốc lộ 49B, nhìn ra phá Tam Giang. Phía sau lưng là một khu đất cao, tục gọi là Cồn Mọi. Người già trong làng kể lại cồn đất này xưa kia có 2 bệ đá vuông chạm trổ hoa văn và một con trâu đá (người dân gọi là bò thần Nandin). Chiến tranh loạn lạc, tượng trâu đá và một bệ đá bị mất, hiện chỉ còn một bệ thờ bằng đá có chạm trổ hoa văn. Trong đợt trùng tu ngôi đình làng, người dân đã đưa bệ đá đặt ở dưới gốc cây dương liễu cổ thụ phía trước đầu làng.
Khảo sát bước đầu, các nhà nghiên cứu nhận thấy đây là bệ thờ thường thấy trong các đền tháp của người Chăm. Bệ thờ được làm từ đá sa thạch (đá cát kết), hình vuông, cắt khúc thành hai tầng. Tầng dưới có kích thước 1,05x1,05 m, cao 0,15 m, bốn mặt đều có chạm trổ hoa văn hoa lá cách điệu. Tầng trên có kích thước 0,91x 0,91 m, cao 0,05 m, không có hoa văn nhưng phía trên mặt có tạo lòng gờ lõm hình vuông có cạnh dài 0,68 m để làm nền cho tượng thờ được đặt phía trên. Nay tượng thờ chưa tìm thấy.
Khảo sát khu nền đất phía sau đình làng Thế Chí Tây, nơi xuất xứ của bệ thờ, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy dấu vết đất nung và gạch hình khối chữ nhật phân bổ trên một diện tích khá rộng (khoảng gần 500 m2). Người dân ở đây còn cho biết, có lần đào gặp tầng nền móng bằng gạch, phía dưới có lớp gia cố chân móng bằng cuội lớn. Qua đó các nhà nghiên cứu kẳng định đây là một khu phế tích đền tháp của người Chăm.
Nghiên cứu hoa văn ở bệ thờ, các nhà nghiên cứu nhận xét các họa tiết ở đây thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương, niên đại khoảng thế kỷ 9-10. Khảo sát quanh vùng, các nhà nghiên cứu nhận thấy dân làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa đang sử dụng hệ thống nước "mội" (nước chảy từ chân ruộng cao xuống chân ruộng thấp) để tưới cho lúa, hoa màu và sinh hoạt. Trên đoạn đường bê tông qua làng dài 3,7 km, nhưng có đến gần 50 "mội" nước chảy qua cùng với một số đập chứa nước lớn nhỏ... Đây chính là sự kế thừa tập quán sử dụng nguồn thủy lợi trong canh tác nông nghiệp của người Chăm.
Bảo Châu