Đầu tháng 11, người dân thông báo tìm thấy một số dấu vết cổ vật ở quả đồi cách sông Gâm 50 m, thuộc thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê. Tương truyền khu vực này có ngôi chùa cổ đã đổ nát nên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang mời Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khảo sát.
Tham gia đoàn khảo sát, PGS.TS Trình Năng Chung, Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết cuối tháng 11 đoàn tổ chức tìm kiếm ở đỉnh đồi, nơi cao hơn mặt sông Gâm khoảng 15 m. Khu vực này được phủ kín thảm thực vật gồm nứa, trúc và nhiều cây khác. Lá cây rụng tạo thành lớp dày, bao phủ toàn bộ di tích.
Đoàn khảo sát tìm thấy hơn 500 hiện vật đất nung gồm: Tháp nhỏ, ngói, vật liệu trang trí, gốm sứ gia dụng. Trong đó có mảnh tháp gắn hình đầu rồng và 400 mảnh ngói vỡ hình mũi nhọn, ngói mũi sen, đặc trưng trang trí thời nhà Trần, thế kỷ 13-14. Nhiều mảnh gạch ốp mỏng, bề mặt trang trí hoa chanh, hoa cúc, hoa dây.
Về đồ đá, đoàn khảo sát tìm thấy 12 tảng đá kê chân cột, kích thước trung bình 45-50 cm, dày 25-35 cm. Có một chân tảng, bề mặt được đục phẳng, hình tròn phẳng, nổi khối tạo một đường viền hình tròn nổi cao 4 cm so với bề mặt xung quanh. Đường kính của khối nổi hình tròn 40 cm, tương ứng với đường kính chân cột gỗ tròn dựng trên đó. Những di vật trên được tìm thấy trên mặt đất.
Đoàn khảo sát sau đó mở một hố đào thám sát khoảng 2 m2, sâu 45 cm, cách trung tâm đỉnh đồi hơn 10 m về phía đông, phát hiện thêm hơn 250 mảnh ngói, trong đó có 6 viên ngói khá nguyên vẹn, cho thấy vị trí này là mái chùa cổ bị đổ sập. Tìm kiếm mở rộng xung quanh quả đồi, họ phát hiện các vòng kè đá.
PGS Chung nhận định đỉnh đồi từng có ngôi chùa cổ quy mô lớn, niên đại khởi dựng từ thời Trần. "Ngôi chùa có giá trị lịch sử, văn hóa và xã hội rất quan trọng của nước Đại Việt. Sự có mặt ngôi chùa này rất có ý nghĩa trong việc cắm mốc văn hóa Đại Việt ở vùng biên cương, khẳng định ý thức văn hóa chủ quyền của dân tộc ta từ hàng nghìn năm trước", PGS Chung nói.