Các nhà khảo cổ Anh lần đầu phát hiện con đường mà người hành hương sử dụng để đến thờ cúng tại Núi Đền, Jerusalem, năm 1894. Sau những cuộc khai quật kỹ lưỡng, nhóm chuyên gia từ Đại học Tel Aviv và Cơ quan Cổ vật Israel (IAA), tìm thấy 220 m đường và hơn 100 đồng xu nằm dưới những phiến đá lát, Independent đưa tin ngày 21/10.
Trong số tiền cổ, những đồng xu mới nhất sản xuất từ năm 17-31. Đây là bằng chứng cho thấy con đường do Pontius Pilate, người La Mã cai quản vùng Judea, xây dựng. "Việc xác định niên đại dựa vào tiền xu rất chính xác. Một số tiền xu có khắc năm đúc, nên việc tìm thấy chúng đồng nghĩa con đường phải được xây dựng cùng hoặc sau năm đồng tiền ra đời", tiến sĩ Donald Ariel giải thích.
"Theo thống kê, tiền sản xuất khoảng 10 năm sau đó là loại phổ biến nhất ở Jerusalem. Chúng tôi không tìm thấy loại tiền này nên con đường phải được xây dựng từ trước, cụ thể là trong thời Pilate", ông bổ sung.
Con đường cổ dài 600 m và rộng khoảng 8 m. Nó được lát bằng những phiến đá lớn, điều thường gặp trong thời La Mã. Các nhà nghiên cứu cho rằng công nhân sử dụng khoảng 10.000 tấn đá vôi và có kỹ năng xây dựng điêu luyện.
Con đường cổ được xây kỳ công như vậy vì kết nối hai điểm quan trọng theo Do Thái giáo và Kitô giáo ở Jerusalem, đó là hồ Siloam và Núi Đền. "Nếu chỉ là đường đi bộ bình thường từ điểm A đến B thì họ không cần xây lớn đến thế. Đoạn nhỏ nhất của nó cũng rộng đến 8 m. Hơn nữa, những phiến đá cắt gọt tinh tế và nhiều vật trang trí, ví dụ các bục đặt dọc con đường, cho thấy nó rất đặc biệt", tiến sĩ Joe Uziel, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Con đường cổ nằm dưới các lớp gạch đá vụn, nhiều khả năng do người La Mã đến chiếm và phá hủy thành phố năm 70. Trong số gạch đá vụn có lẫn những mảnh vũ khí và cây cháy. Nhóm chuyên gia nhận định, có thể Pilate xây con đường này để giảm căng thẳng với người Do Thái.
Thu Thảo (Theo Independent)