Sự việc bắt nguồn từ quan hệ làm ăn của Công ty TNHH Hoàng Hiệp ở Vũng Tàu, do ông Khương Minh Hiệp làm giám đốc, với Tăng Minh Phụng từ trước khi vụ án xảy ra. Tháng 7/1996, gặp khó khăn tài chính, Tăng Minh Phụng thông qua người nhà là Trần Văn Tiền tới mượn giấy tờ ngôi nhà 102/7 phố Lê Hồng Phong, Vũng Tàu của gia đình ông Hiệp trong thời hạn 3 tháng. Mục đích thế chấp vay nợ ngân hàng EXIMBANK.
Quá hạn, hồ sơ nhà chưa lấy lại được thì tháng 3/1997, toàn hệ thống Minh Phụng sụp đổ. Ông chủ cùng hàng chục người liên quan bị bắt, khởi tố.
Trong quá trình vụ án đang được điều tra, Minh Phụng xoay sở, lấy một số tài sản khác giao cho Eximbank hoán đổi lấy lại hồ sơ nhà 102/7 Lê Hồng Phong để trả cho ông Hiệp. Tới phiên xử sơ thẩm hình sự tháng 8/1999, việc hoán đổi này được TAND TP HCM chấp thuận trong phần xử lý hậu quả kinh tế, dân sự; tuyên giải chấp, trả nhà cho ông Hiệp. Tuy nhiên, bản án của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tháng 1/2000 lại sửa lại: Giao ngôi nhà cho Eximbank quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ.
7 năm qua, phần dân sự liên quan đến ngôi nhà của gia đình ông Hiệp vẫn bế tắc, không thi hành án được. Nguyên do, vợ ông Hiệp là Lục Thị Yến Anh liên tục có đơn khiếu nại kêu oan, khẳng định đây là tài sản chung của hai vợ chồng, và bà không hề ký hồ sơ cho mượn nhà thế chấp.
Hé lộ tình tiết mới
Tuy nhiên, trong hồ sơ thế chấp mà Eximbank cung cấp có chữ ký cả hai vợ chồng ông Hiệp. Để làm rõ tình tiết này, tháng 6/2002, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trưng cầu giám định chữ ký theo nội dung khiếu nại của bà Yến Anh. Kết quả cho thấy chữ ký tại giấy cam kết thế chấp và mẫu chữ ký thật của đương sự không phải do cùng một người ký. Trên cơ sở đó, năm 2004 và 2006, VKSND Bà Rịa - Vũng Tàu đã hai lần báo cáo đề nghị VKSND Tối cao kháng nghị một phần bản án hình sự vụ án Tăng Minh Phụng theo trình tự tái thẩm.
VKSND Tối cao sau đó đã về Vũng Tàu lấy lời khai của những người liên quan trong vụ án. Theo đó, ông Hiệp khai nhận tự ý mạo chữ ký của vợ và cho mượn hồ sơ nhà. Mặt khác, các tài liệu có chữ ký của bà Yến Anh xung quanh thời điểm thế chấp nhà cũng được thu thập, gửi tới Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an giám định. Tháng 7/2007, cơ quan này ra kết luận: Chữ ký và chữ viết “Lục Thị Yến Anh” trong giấy cam kết thế chấp nhà, với 13 mẫu chữ ký của bà Yến Anh trong các tài liệu được lập từ 1992 đến 2002 không phải do cùng một người ký, viết ra.
Đây được coi là tình tiết mới xuất hiện, nên VKSND Tối cao đã kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử hủy phần quyết định giao căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong cho Eximbank, và giao cho TAND TP HCM xử sơ thẩm lại.
Vị kiểm sát viên thụ lý vụ việc cho biết, nếu kháng nghị được TAND Tối cao chấp thuận, tòa sơ thẩm sẽ mở lại phiên xử sơ thẩm hình sự để quyết định nội dung dân sự liên quan tới ngôi nhà. Phán quyết này sẽ không ảnh hưởng gì tới bản án hình sự đã tuyên cho các bị cáo trong vụ án Tăng Minh Phụng trước đây. Việc bị cáo đầu vụ Tăng Minh Phụng đã bị thi hành án tử hình cũng không gây khó khăn gì cho việc xử lý ngôi nhà, bởi hồ sơ đã đầy đủ lời khai của những người liên quan.
Năm 2000, qua hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm, tòa án đã kết thúc vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới Tăng Minh Phụng và đồng phạm về hàng loạt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Sáu án tử hình đã được tuyên cùng nhiều án tù chung thân, tù có thời hạn. Quá trình thi hành án sau đó, chỉ có hai tử tù được Chủ tịch nước ân giảm, những tử tù còn lại như Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng đã bị thi hành án. |
(Theo Pháp Luật TP HCM)