Loài chim cánh cụt khổng lồ mới phát hiện có tên Crossvallia waiparensis, cao 1,6 mét, tương đương chiều cao của một phụ nữ trưởng thành. C. waiparensis nặng 80 kg, săn động vật dưới nước ở New Zealand cổ đại vào thế Cổ Tân cách đây 56 - 66 triệu năm. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 12/8 trên tạp chí Alcheringa.
Tuy nhiên, C. waiparensis không phải loài chim cánh cụt lớn nhất trong lịch sử. Kỷ lục đó thuộc về chim cánh cụt Palaeeudyptes klekowskii cao 2 mét và nặng 115 kg, sống cách đây 37 triệu năm.
Nhà cổ sinh vật học Leigh Love phát hiện xương đùi hóa thạch của C. waiparensis ở thị trấn Waipara thuộc thành phố Canterbury, New Zealand. Khu vực này tập trung nhiều loài động vật tiền sử đồ sộ như vẹt lớn nhất thế giới, đại bàng khổng lồ, dơi đào hang và chim moa.
Chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri) chỉ nhỏ như một con tôm so với C. waiparensis. Loài chim cánh cụt lớn nhất thế giới ngày nay cao 0,9 - 1,2 mét. Chúng là họ hàng xa của Crossvallia unienwillia, loài có quan hệ gần nhất với C. waiparensis. C. unienwillia cũng sống ở thế Cổ Tân nhưng tại Cross Valley, Nam Cực. Dù hiện nay nằm tách biệt, New Zealand và Antarctica từng nối liền với nhau vào thế Cổ Tân.
Theo nhà nghiên cứu Paul Scofield, quản lý phòng trưng bày Lịch sử Tự nhiên ở Bảo tàng Canterbury, New Zealand, xương chân của cả hai loài chim cánh cụt Crossvallia khác hẳn chim cánh cụt hiện đại. Nghiên cứu giải phẫu chỉ ra Crossvalia sử dụng bàn chân để bơi lội nhiều hơn chim cánh cụt hiện đại, đồng thời chưa thích nghi với việc đứng thẳng. Phát hiện về C. waiparensis cung cấp thêm bằng chứng cho thấy chim cánh cụt trở nên khổng lồ không lâu sau sự kiện tuyệt chủng của khủng long khoảng 66 triệu năm trước.
An Khang (Theo Live Science)