Có hàng nghìn tỷ vi sinh vật có lợi sống hài hòa bên trong hệ tiêu hóa của chúng ta, giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, nhưng ít người đến về cách chúng cung cấp sự bảo vệ cho cơ thể. Việc nghiên cứu hệ vi sinh vật đường ruột có ý nghĩa rất quan trọng vì nó hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm giải pháp điều trị tự nhiên để thay thế thuốc kháng sinh.
Trong một thí nghiệm mới do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) thực hiện, các nhà khoa học phát hiện ra rằng hệ vi sinh vật đường ruột từng bị nhiễm trùng trước đó, khi được chuyển sang những con chuột không có mầm bệnh, đã giúp ngăn ngừa Klebsiella pneumoniae (Kpn) - vi khuẩn gây nhiễm trùng có khả năng kháng thuốc kháng sinh Carbapenem.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được loại vi khuẩn có lợi tham gia vào quá trình tiêu diệt Kpn khi chúng xâm nhập, đó là Deltaproteobacteria. Các phân tích sâu hơn chỉ ra rằng taurine là hợp chất chịu trách nhiệm kích hoạt hoạt động của Deltaproteobacteria.
Taurine giúp cơ thể tiêu hóa dầu và chất béo, được tìm thấy tự nhiên trong các axit mật ở đường ruột. Khí độc hydrogen sulfide là một sản phẩm phụ của taurine. Các nhà khoa học tin rằng mức độ taurine thấp cho phép mầm bệnh xâm nhập vào ruột, trong khi mức độ cao tạo ra lượng hydro sulfua cần thiết để chống lại vi khuẩn.
Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng chỉ một lần nhiễm trùng nhẹ là đủ để chuẩn bị cho hệ vi sinh vật đối phó với lần nhiễm trùng tiếp theo. Gan và túi mật - nơi tổng hợp và lưu trữ các axit mật có chứa taurine - có thể phát triển khả năng bảo vệ chống nhiễm trùng lâu dài.
Nghiên cứu cho thấy taurine được cung cấp cho chuột qua nước uống như một chất bổ sung cũng giúp hệ vi sinh vật tăng cường khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, khi chuột uống nước có chứa bismuth subsalicylate - một loại thuốc được dùng để điều trị bệnh tiêu chảy và đau dạ dày - thì khả năng chống nhiễm trùng sẽ giảm đi vì bismuth ức chế sản xuất hydrogen sulfide.
Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Cell.
Đoàn Dương (Theo Phys)