Trong lúc xem Google Maps để lên kế hoạch cho chuyến cắm trại ở Côte-Nord, Quebec, Joel Lapointe tình cờ phát hiện cấu trúc kỳ lạ có thể là nơi một tiểu hành tinh cổ đại đâm xuống, IFL Science hôm 9/9 đưa tin. Cấu trúc này có hình cầu, dài khoảng 15 km bao quanh hồ Marsal. Lapointe đã liên hệ với nhà địa vật lý Pierre Rochette của Trung tâm Nghiên cứu Địa chất Môi trường (CEREGE) ở Pháp để kiểm tra.
Kết quả, nhóm nghiên cứu xác định rằng một sự kiện va chạm với tiểu hành tinh thời cổ đại có thể đã tạo ra cấu trúc này. "Địa hình cho thấy nhiều khả năng một vụ va chạm đã xảy ra", Rochette nhận xét.
Rochette cùng đồng nghiệp xem xét kỹ hơn và tin rằng vành đai núi nhỏ bao quanh hồ có thể trước đây đã bị phân loại sai. "Cấu trúc này, từng được cho là một ống núi lửa mang tên Marsal breccia, nằm trong một khu vực không có hoạt động magma sau sự kiện Grenville. Trên thực tế, nó giống với đá tan chảy ở đáy hố thiên thạch hơn, khá giống với trường hợp hố thiên thạch Mistastin và Janisjarvi", nhóm nghiên cứu viết.
Khu vực này không có dấu hiệu của dị thường trọng lực - trọng lực mạnh hơn hoặc yếu hơn giá trị dự kiến dựa trên khối lượng ước tính trong khu vực (ví dụ, do đá đặc hơn hoặc nhẹ hơn). Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tin rằng dữ liệu chưa đủ chi tiết để phát hiện dị thường có đường kính nhỏ hơn 10 - 15 km. Do đó, họ cần tiến hành nghiên cứu thực địa thêm.
Khi xem xét những mẫu vật lấy từ cấu trúc lạ quanh hồ Marsal, các chuyên gia tìm thấy silicat, lượng lớn magnetit, sulfide và zircon, tất cả đều là dấu hiệu tiềm năng của đá tan chảy do va chạm. Dựa trên mức độ xói mòn, họ ước tính rằng vụ va chạm có thể diễn ra 450 - 38 triệu năm trước.
"Dựa trên các bằng chứng sơ bộ đã có, Hồ Marsal có vẻ là 'ứng cử viên' nghiêm túc cho cấu trúc va chạm thứ 11 được xác nhận tại Quebec. Nguồn gốc vụ va chạm có thể xác nhận qua mẫu vật hiện có hoặc chờ một chuyến thám hiểm kỹ lưỡng hơn trong tương lai", nhóm nghiên cứu viết. Họ hy vọng có thể sớm đến địa điểm này để tìm thêm bằng chứng về sự kiện va chạm với tiểu hành tinh.
Thu Thảo (Theo IFL Science)