Các nhà thiên văn cho biết những cặp bài trùng tương tự như vậy có thể là nguồn gốc của một vài vụ nổ tân tinh bất thường.
Hai ngôi sao quay gần nhau đến mức có lúc chúng dính vào nhau tạo thành hình củ lạc. Ảnh: NewScientist. |
Cặp sao hạt lạc nằm trong một thiên hà nhỏ có tên gọi Holmberg IX, cách chúng ta 12 triệu năm ánh sáng, là hệ thống đầu tiên quan sát được thuộc loại này. Nó được khám phá nhờ kính thiên văn Large Binocular trên núi Graham ở Arizona, Mỹ.
"Đây là ngôi sao sáng nhất chúng tôi tìm thấy trong Holmberg IX", trưởng nhóm nghiên cứu José Prieto từ Đại học bang Ohio ở Columbus, Mỹ, phát biểu. Nó sáng gấp khoảng 100.000 lần mặt trời của chúng ta ở bước sóng nhìn thấy.
Trong khoảng thời gian 270 ngày, nhóm nghiên cứu nhận thấy ngôi sao này mờ đi 2 lần. Tình trạng này chỉ có thể giải thích là thực ra có 2 ngôi sao đang quanh quanh nhau, vì thế định kỳ chúng sẽ che bớt ánh sáng của hàng xóm. Hình dáng của nó cũng cho thấy hai ngôi sao này phình to đến mức chúng đan xen vào nhau một phần, tạo nên dáng củ lạc.
Khi xem lại các dữ liệu cũ, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một cặp sao khổng lồ màu vàng tương tự, trong Small Magellanic Cloud - một vệ tinh của thiên hà Milky Way.
T. An (theo NewScientist)