"Wolbachia cho thấy hiệu quả với Zika tương tự như sốt xuất huyết", nhà nghiên cứu Luciano Moreira từ Quỹ Oswaldo Cruz (Brazil) nói. Kết luận trên đem lại hy vọng trong cuộc chiến chống lại virus Zika gây bệnh đầu nhỏ đang hoành hành ở Trung - Nam Mỹ, Caribbean và một phần Bắc Mỹ.
Theo Reuters, đội ngũ khoa học thuộc Quỹ Oswaldo Cruz đã tiêm 2 chủng Zika tại Brazil vào muỗi vằn bình thường và muỗi vằn nhiễm Wolbachia. Kết quả, sau 2 tuần, lượng virus trong cơ thể và nước bọt của muỗi nhiễm Wolbachia giảm hẳn, khiến chúng ít có khả năng truyền bệnh sang người. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tiêm Wolbachia vào trứng muỗi để lây lan sang thế hệ sau. "Ý tưởng là thả muỗi vằn nhiễm Wolbachia trong vài tháng để chúng giao phối với muỗi vằn khác rồi thay thế quần thể muỗi", Moreira giải thích.
Tiến sĩ Jason Rasgon, nhà côn trùng học ở Đại học Penn State (Mỹ) cho biết các nghiên cứu trước đây từng nghi ngờ Wolbachia ngăn chặn lây truyền một mầm bệnh nhưng kích thích mầm bệnh khác phát triển mạnh hơn. Nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil chứng minh điều này khó xảy ra. Tuy vậy, Moreira cảnh báo chiến lược ngăn chặn sốt xuất huyết và Zika bằng Wolbachia không thể hiệu quả 100% nên cần kết hợp với nhiều biện pháp khác.
Tại Việt Nam, muỗi mang khuẩn Wolbachia đã được thả tại đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa từ tháng 4/2013 nhằm giảm sự lây nhiễm virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết..
Wolbachia là vi khuẩn nội bào tồn tại tự nhiên ở hơn 70% loài côn trùng trên trái đất (bướm, bọ rầy, kiến, nhện...). Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chứng minh muỗi mang vi khuẩn Wolbachia có thể ức chế khả năng phát triển của virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết trong cơ thể muỗi, từ đó giảm nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng. Nếu quần thể muỗi mới thay thế hoàn toàn quần thể muỗi trong tự nhiên thì sẽ giảm đáng kể nguy cơ lan truyền bệnh sốt xuất huyết. |
Minh Nguyên