Phát quang sinh học, sự sản sinh ánh sáng khả kiến thông qua phản ứng hóa học ở tổ chức sống, là hiện tượng phổ biến trong đời sống đại dương. Nhưng đây là lần đầu tiên hiện tượng này được ghi nhận và phân tích ở cá mập vây diều, cá mập đèn lồng bụng đen và cá mập đèn lồng phương nam.
Những con cá mập được thu thập trong chuyến khảo sát cá tại khu vực Chatham Rise ở ngoài khơi phía đông New Zealand hồi tháng 1/2020. Cá mập vây diều có thể dài tới 180 cm, được các nhà nghiên cứu ghi nhận là "động vật có xương sống lớn nhất phát quang".
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Thiên Chúa giáo Louvain ở Bỉ và Viện nghiên cứu nước và khí quyển New Zealand, cho biết phát hiện có nhiều ảnh hưởng tới hiểu biết của con người về đời sống dưới biển sâu, một trong những hệ sinh thái có ít nghiên cứu nhất trên hành tinh. Cả ba loài cá mập đều sống ở vùng chạng vạng của đại dương, nằm ở độ sâu 200 - 1.000 m, nơi ánh sáng Mặt Trời không thể chiếu tới. Nhìn từ bên dưới, các loài cá mập dường như ngược sáng với mặt nước, khiến chúng dễ lộ diện với động vật săn mồi tiềm ẩn mà không có bất kỳ nơi nào để lẩn trốn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng vùng bụng dưới phát quang của ba loài cá mập có thể giúp chúng ngụy trang trước mọi mối đe dọa và đòn tấn công từ phía dưới. Trong trường hợp cá mập vây diều, động vật gần như không có kẻ thù, có khả năng loài cá chuyển động chậm này sử dụng hiện tượng phát quang tự nhiên để rọi sáng đáy đại dương khi tìm kiếm thức ăn, hoặc ngụy trang để tiếp cận con mồi.
Các nhà khoa học nhấn mạnh cần nghiên cứu sâu hơn để xác nhận giả thuyết trong bài báo công bố hôm 26/2 trên tạp chí Frontiers in Marine Science, cũng như tìm hiểu phát quang sinh học ảnh hưởng như thế nào tới quan hệ giữa con mồi và động vật ăn thịt. Họ hy vọng có thể trở lại vùng biển để tiếp tục nghiên cứu, đồng thời phát hiện thêm nhiều loài vật phát quang nữa.
An Khang (Theo Guardian)