Các sách giáo khoa giải phẫu mô tả cơ cắn gồm hai lớp, một lớp sâu và một lớp nông. Tuy nhiên, một số tài liệu lịch sử đề cập tới khả năng tồn tại lớp thứ ba, nhưng chưa thống nhất về vị trí của lớp này, theo nhóm nghiên cứu báo cáo hôm 2/12 trên tạp chí Annals of Anatomy. Vì vậy, các nhà nghiên cứu quyết định kiểm tra liệu cơ hàm có lớp siêu sâu ẩn ở đâu đó hay không.
Để tiến hành nghiên cứu, họ mổ đầu 12 xác chết được bảo quản bằng formaldehyde, họ cũng chụp cắt lớp 16 xác chết mới và xem xét một bản chụp cộng hưởng từ người sống. Thông qua những kiểm tra này, họ xác định có một lớp cơ cắn thứ ba khác biệt về mặt giải phẫu. Lớp cơ siêu sâu này chạy từ xương gò má tới mỏm xương hình mỏ quạ.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Szilvia Mezey, giảng viên ở khoa Y sinh tại Đại học Basel, Thụy Sĩ, lớp cơ cắn siêu sâu này khác biệt với hai lớp còn lại về mặt chức năng. Dựa trên cách sắp xếp sợi cơ, lớp cơ mới nhiều khả năng giúp ổn định hàm dưới. Trên thực tế, đây là phần cơ cắn có thể kéo xương hàm về phía sau.
Trong nghiên cứu, Mezey và cộng sự đề xuất đặt tên cho lớp cơ này là "Musculus masseter pars coronidea", có nghĩa là "bộ phận cơ cắn liên quan tới xương hình mỏ quạ". Phát hiện có ý nghĩa quan trọng trong lâm sàng bởi hiểu rõ lớp cơ có thể giúp bác sĩ phẫu thuật tốt hơn ở phần hàm và điều trị bệnh về khớp nối xương hàm với hộp sọ.
An Khang (Theo Live Science)