Giới chức nước này đang xem xét khả năng lây nhiễm và kháng vaccine của biến thể trên. Khoảng 10.787 mẫu bệnh phẩm thu thập từ 18 bang của Ấn Độ cho thấy số lượng mẫu có biến thể từ Anh là 736, từ Nam Phi là 34 và Brazil là một. Hiệp hội Nghiên cứu gene nCoV của Ấn Độ (INSACOG), bao gồm 10 phòng thí nghiệm quốc gia thuộc Bộ Y tế Ấn Độ, đã tiến hành giải trình tự gene virus trong các mẫu bệnh phẩm mới nhất.
Đột biến ở virus là điều phổ biến. Hầu hết những thay đổi đó không ảnh hưởng lớn đến khả năng lây truyền hoặc gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số đột biến từ Anh hoặc Nam Phi lại khiến virus dễ lây lan hơn và gây tử vong nhiều hơn.
Tiến sĩ Shahid Jameel, nhà virus học, giải thích: "Đột biến kép xuất hiện tại vị trí quan trọng của protein gai có thể gia tăng những nguy cơ đó và giúp virus lẩn trốn hệ miễn dịch". Protein gai là công cụ để virus xâm nhập vào tế bào người.
Bộ Y tế Ấn Độ thông báo: "Kết quả phân tích các mẫu thu được từ bang Maharashtra cho thấy số mẫu có đột biến E484Q và L452R tăng so với tháng 12/2020. Những đột biến kép như vậy có thể vượt qua hàng rào miễn dịch và tăng khả năng lây nhiễm".
Trước đó, biến thể nCoV từ Anh được biết đến có hơn 20 đột biến, thường một mẫu bệnh phẩm nhiễm một đột biến.
"Đột biến kép" là một cụm từ đáng sợ. Đây là hiện tượng hai đột biến xuất hiện ở các vị trí khác nhau trong cùng một biến thể virus. Virus biến đổi là điều bình thường, nhưng câu hỏi đặt ra là đột biến kép có thay đổi hoạt động của virus hay không? Virus sẽ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn chăng? Và đặc biệt, vaccine hiện nay liệu có tác dụng đối chống lại biến thế đó?
Các nhà khoa học sẽ mất nhiều công sức để tìm câu trả lời. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, số lượng mẫu có đột biến này hiện còn thấp. Vì thế, chưa thể kết luận virus có đột biến mới là nguyên nhân khiến số ca Covid-19 gia tăng. Ngày 24/3, Ấn Độ ghi nhận 47.262 ca mắc và 275 trường hợp tử vong, mức cao nhất trong ngày từ đầu năm 2021 đến nay.
Tuy nhiên, cách đối phó với kẻ thù có khả năng biến hóa này vẫn là tăng cường xét nghiệm, truy vết, cách ly người tiếp xúc gần, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách.
Các vaccine hiện nay vẫn có hiệu quả chống lại các biến thể, dù tác dụng có thể giảm. Giới khoa học tự tin vaccine có thể được nâng cấp để nhắm vào các biến thể mới.
Ấn Độ đang đẩy mạnh công tác giải trình tự gene của nCoV. "Chúng ta cần liên tục theo dõi và đảm bảo rằng những biến thể nguy hiểm không lan rộng trong cộng đồng. Ta cần nắm được bằng chứng sớm nhất có thể", tiến sĩ Jameel cho hay.
Mai Dung (Theo BBC)