BA.2.75 lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ vào tháng 6, phát triển từ biến chủng phụ BA.2. Biến chủng này đã lây lan sang Australia, Canada, Nhật Bản, Đức, New Zealand, Anh và Mỹ.
Theo các chuyên gia, BA.2.75 có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn các phiên bản nCoV khác. Chỉ trong vài tuần, biến chủng đã được phát hiện trong hơn 80 trình tự gene virus khắp thế giới.
Dù chưa rõ liệu BA.2.75 có thể cạnh tranh với BA.5 đang chiếm ưu thế tại nhiều quốc gia hay không, song số lượng đột biến và lợi thế lây truyền của nó khiến các nhà khoa học lưu tâm.
Tiến sĩ Shay Fleishon, thành viên Phòng thí nghiệm Virus tại Trung tâm Y tế Sheba ở Tel Hashomer, gọi đây là biến chủng "đáng báo động". Tuy nhiên, ông cho rằng còn quá sớm để dự đoán liệu đây có phải là biến chủng thống trị tiếp theo.
Phòng thí nghiệm Bloom tại Viện nghiên cứu Fred Hutch nhận định BA.2.75 "đáng chú ý" do có "sự thay đổi kháng nguyên đáng kể" so với phiên bản gốc BA.2. Hai đột biến quan trọng của biến chủng là G446S và R493Q.
Trong đó, G446S là một trong những đột biến có lợi thế trốn tránh miễn dịch mạnh mẽ. Nó có thể làm giảm hiệu quả của các loại vaccine ngăn ngừa BA.2. Dù vậy, người từng nhiễm biến chủng BA.1 sẽ không có nguy cơ tái nhiễm BA.2.75.
Đột biến R493Q làm tăng khả năng bám vào thụ thể ACE2 của virus. Đây là loại protein mà nCoV sử dụng để xâm nhập tế bào. Đột biến khác trong BA.2.75 là N460K cũng làm tăng khả năng bám dính của virus.
Theo tiến sĩ Fleishon, trong những tháng gần đây, thế giới ghi nhận nhiều biến chủng phụ của dòng Omicron. Các biến chủng này chứa đột biến S1 đặc trưng ở protein gai và các thay đổi trong bộ phận mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào. Hiện tượng này không xuất hiện ở thế hệ biến chủng trước đó.
Các nhà khoa học đều nhận định cần nghiên cứu chuyên sâu hơn trước khi kết luận độ nghiêm trọng và nguy cơ từ biến chủng mới. Họ hy vọng trong tuần tới sẽ đánh giá liệu BA.2.75 có đủ sức cạnh tranh với BA.5 hay không.
Thục Linh (Theo Jerusalem Post)