TS Phạm Thị Hà Giang, Viện Sinh thái nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phối hợp với các nhà khoa học Viện Thực vật Komarov (Nga) đã phát hiện và mô tả 5 loài nấm mới cho khoa học. Trong đó, 1 loài thuộc họ Boletaceae (Tylopilus aurantiovulpinus) và 4 loài thuộc họ Entolomataceae, chi Entoloma (gồm Entoloma cycneum, Entoloma dichroides, Entoloma peristerinum và Entoloma tadungense).
Các nhà khoa học đã thu thập 69 mẫu nấm tại VQG Tà Đùng (Đắk Nông) và Khu BTTN Kon Chư Răng (Gia Lai). Kết quả ghi nhận 62 loài nấm thuộc 14 chi, 2 họ Boletaceae và Entolomataceae; trong đó 27 loài nấm thuộc họ Boletaceae và 35 loài nấm thuộc họ Entolomataceae (31 loài thuộc chi Entoloma, 4 loài thuộc chi Clitopilus).
Trong số các loài nấm Boletaceae và Entolomataceae ghi nhận tại đây, có 3 loài nấm ăn, 5 loài có khả năng ăn được, 7 loài có độc và 7 loài có khả năng gây độc.
Nhóm nghiên cứu cho hay sau khi phát hiện đã phân loại các loài nấm thu được bằng phương pháp nghiên cứu hình thái hiển vi, siêu hiển vi và di truyền phân tử, làm rõ và mô tả các đặc điểm sinh học của chúng. Hiện nhóm đã thiết lập danh lục 20 loài nấm thuộc họ Boletaceae và chi Entoloma, trong đó 12 loài ghi nhận mới cho khu hệ nấm lớn Việt Nam.
Theo TS Giang, nhiều nấm lớn là nguồn thực phẩm tiềm năng, cung cấp nhiều chất có hoạt tính sinh học quan trọng cho y học, mở ra cơ hội nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược liệu mới. Nấm lớn cũng đóng vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái, tham gia vào quá trình phân hủy các chất hữu cơ có nguồn gốc thực vật, giúp tái tạo dinh dưỡng cho đất và hỗ trợ sự phát triển của thực vật.
Tuy nhiên các loài nấm trong họ Boletaceae và Entolomataceae tại Việt Nam đang bị đe dọa suy giảm do diện tích rừng nguyên sinh ở các vùng nhiệt đới đang giảm sút. Đây là lý do TS Giang cùng cộng sự tiến hành nghiên cứu và đề xuất các biện pháp bảo tồn các loài nấm này trước nguy cơ tuyệt chủng.
Kết quả nghiên cứu cũng giải thích tính đa dạng, phân bố các loài nấm trong hai họ này cho khu vực Tây Nguyên và bổ sung dẫn liệu mới, loài mới cho khoa học và khu hệ nấm Việt Nam. Đây là cơ sở phục vụ đề xuất giải pháp, chính sách quản lý và bảo tồn những loài nấm lớn có giá trị kinh tế và môi trường, theo nhóm nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu đã công bố 4 bài báo khoa học (2 bài trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI và 2 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước). Ngoài công bố về sự đa dạng của loài nấm lớn thuộc họ Boletaceae và Entolomataceae, đề tài cũng chỉ ra, yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố của 2 nhóm loài chủ yếu là nhiệt độ, độ ẩm và đặc trưng của thảm thực vật.
"Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính đa dạng của các loài nấm lớn nói chung, có thể cản trở quá trình sinh trưởng và phát triển của nấm nấm lớn khiến cho sợi nấm không có khả năng hình thành quả thể", TS Giang cho hay.
Như Quỳnh