Trong báo cáo chi tiết trên tạp chí ZooKeys, Patterson và đồng nghiệp Terry Demos, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở cùng phòng thí nghiệm nghiên cứu những con dơi mũi lá trong họ dơi nếp mũi (Hipposideridae). Tên gọi của chúng xuất phát từ nếp nhăn da trên mũi mà chúng sử dụng như đĩa radar để thu tiếng kêu và giúp bắt côn trùng. Họ dơi này phân bố ở châu Phi, châu Á và Australia, nhưng các thành viên sinh sống trên lục địa đen ít được biết tới do thiếu điều kiện nghiên cứu và bất ổn chính trị trong khu vực.
Để hiểu rõ hơn về sự phân bố của dơi mũi lá và quan hệ giữa chúng, Patterson, Demos, và các đồng nghiệp tại Đại học Maasai Mara, Bảo tàng Quốc gia Kenya và Bảo tàng Field tiến hành nghiên cứu di truyền trên những loài dơi trong họ ở châu Phi. Nhóm nghiên cứu chủ yếu dựa vào mẫu vật ở viện bảo tàng thu thập tại nhiều nơi thuộc lục địa này trong vài thập kỷ qua. Ở một số trường hợp, những loài phân bố rộng có hình dáng giống nhau nhưng ADN cho thấy chúng có lịch sử tiến hóa khác nhau. Kết quả phân tích gene hé lộ ít nhất 4 loài dơi mũi lá mới từng chưa được mô tả và chưa có tên gọi chính thức.
Theo Patterson và Demos, phát hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình Covid-19. Các loài dơi mũi lá mới không góp phần gây ra dịch bệnh, nhưng họ hàng của chúng là dơi móng ngựa thì có. Dơi móng ngựa truyền nCoV sang động vật có vú khác (có thể là loài tê tê), qua đó truyền sang người. Đây không phải lần đầu tiên con người nhiễm bệnh từ dơi. Dơi dường như có khả năng truyền bệnh mạnh hơn những động vật có vú khác, không phải do chúng ở bẩn hay chứa toàn virus.
"Mọi tổ chức sống đều có virus. Những bông hồng trong vườn của bạn cũng có virus", Patterson giải thích. "Chúng ta lo ngại về virus gây dịch cúm và Covid-19, nhưng virus là một phần của tự nhiên và đã có từ rất lâu. Nhiều loài virus thậm chí vô hại. Nhưng trong khi mọi động vật đều mang virus, dơi dường như đặc biệt thích hợp truyền virus sang người. Đó có thể vì dơi nằm trong số những động vật có vú có tính xã hội cao nhất, sống theo đàn lên tới 20 triệu con. Do chúng tập trung ở một chỗ và chăm sóc lẫn nhau, mầm bệnh dễ dàng truyền khắp cả đàn".
Một lý do khác khiến dơi dễ truyền bệnh có thể liên quan tới khả năng bay của chúng. Theo Patterson, bay là hoạt động tiêu hao nhiều năng lượng nhất để di chuyển. "Nếu bạn lột da dơi, bạn sẽ thấy chúng gần như không có ruột mà chủ toàn sống vai và cơ ngực. Chúng là những vận động viên cừ khôi", Patterson nhận xét. Do việc bay rất tốn kém sức lực, dơi có tốc độ trao đổi chất nhanh và hệ miễn dịch mạnh mẽ. ADN của chúng cũng rất giỏi tự hồi phục khi bị tổn thương. Điều này có nghĩa dơi có khả năng mang virus gây bệnh nhưng bản thân chúng không bị ốm. Tuy nhiên, những virus đó lại có thể gây hại cho người tiếp xúc với dơi.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh dù không có loài dơi mũi lá nào mới phát hiện cũng liên quan tới sự lây lan của Covid-19, việc tìm hiểu chúng sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai. "Dơi mũi lá mang virus corona, không phải chủng đang ảnh hưởng tới con người, nhưng chắc chắn đây không phải là lần cuối cùng virus truyền từ động vật có vú hoang dã sang người. Nếu hiểu rõ hơn về những loài dơi này, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị kỹ hơn trong trường hợp dịch bệnh xảy ra", Demos nói.
An Khang (Theo Sci Tech Daily)