Nhóm chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Thế giới Cổ đại thuộc Đại học New York phát hiện ít nhất 2.000 đầu cừu đực được ướp xác tại đền thờ pharaoh Ramesses II, thành phố cổ Abydos, miền nam Ai Cập, Reuters hôm 25/3 đưa tin. Ngoài ra, họ còn tìm thấy một cấu trúc cung điện lâu đời hơn nhiều, thuộc thời kỳ Cổ Vương quốc Ai Cập cách đây khoảng 4.000 năm.
Ramesses II, còn gọi là Ramesses Đại Đế, là một trong những pharaoh quyền lực và thành công nhất Ai Cập cổ đại. Ông trị vì từ năm 1279 đến năm 1213 trước Công nguyên, trong thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập, và là pharaoh thứ ba của Vương triều thứ 19. Ramesses II nổi tiếng với những chiến dịch quân sự giúp mở rộng Ai Cập và bảo vệ biên giới.
Theo người đứng đầu nhóm khai quật, tiến sĩ Sameh Iskandar, những đầu cừu đực mới phát hiện có niên đại từ thời Ptolemaic, kéo dài từ năm 332 trước Công nguyên đến năm 30. Ngoài ra, các chuyên gia còn tìm thấy xác ướp cừu cái, chó, dê rừng, bò, linh dương và cầy mangut. Đây được cho là đồ cúng tế, thể hiện người xưa vẫn dành sự tôn kính cho Ramesses II khoảng 1.000 năm sau khi ông qua đời, theo Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập. Phát hiện mới cũng giúp giới khoa học hiểu thêm về một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng của Ai Cập - thành phố cổ Abydos.
Việc ướp xác động vật, đặc biệt là mèo, chó, cừu đực, là một tập tục phổ biến ở Ai Cập cổ đại. Người Ai Cập tin rằng động vật nắm giữ sức mạnh tâm linh lớn và kết nối với các vị thần. Việc ướp xác giúp bảo quản cơ thể và linh hồn của động vật, để chúng "hộ tống" linh hồn của chủ nhân sang thế giới bên kia. Đôi khi động vật được ướp xác nhằm tôn vinh các vị thần, hoặc dùng làm vật hiến tế cho thần linh.
Ở Ai Cập cổ đại, cừu đực là một biểu tượng quan trọng của quyền lực và khả năng sinh sản. Sinh vật này cũng gắn liền với một số vị thần, ví dụ như thần Khnum với đầu cừu đực và mình người. Cừu đực là con vật linh thiêng và thường xuyên được ướp xác, trở thành lễ vật dâng lên các vị thần. Tầm quan trọng của thần cừu đực trong văn hóa Ai Cập cổ đại được phản ánh trong nghệ thuật, tôn giáo và những câu chuyện thần thoại.
Thu Thảo (Theo Ancient Origins, Reuters)